Khai mạc Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ

Chiều 14-12, tại Nhà hát Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau lần thứ 17 mở rộng (có sự tham gia của tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ).

tiet-muc-trinh-dien-cua-doi-dctt-tinh-bac-lieu-tai-lien-hoan-3-6404.jpg
Tiết mục của Đội ĐCTT tỉnh Bạc Liêu trình diễn tại liên hoan

Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2013 - 2023).

Liên hoan năm nay diễn ra trong 2 ngày, có tổng số 36 tiết mục với trên 100 nghệ nhân đờn và tài tử.

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu cho biết, cách đây 10 năm (ngày 5-12-2013), nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ mà còn là một minh chứng về sức sống, sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam ở phạm vi 21 tỉnh thành phía Nam lưu giữ và phát triển. Vì vậy, rất tự hào về những bậc tiền bối đã có công sáng tạo và truyền bá nghệ thuật ĐCTT Nam bộ.

Theo bà Trần Thị Lan Phương, liên hoan là nơi giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, nghệ sĩ; là cơ hội, điều kiện để các tỉnh liên kết chặt chẽ với nhau hơn, cùng đưa nghệ thuật ĐCTT Nam bộ phát triển trong sự phát triển chung.

Ông Lâm Hoàng Viên, Giám đốc Trung tâm văn hoá tỉnh Sóc Trăng đánh giá: Sân chơi tiếp tục duy trì đến lần thứ 17. Qua đó, cho thấy độ dày và bền vững của nó. Điều đáng mừng là nghệ nhân của chúng ta ngày càng nhiều. Qua đó, sức lan tỏa của nghệ thuật đờn ca tài tử không chỉ cha truyền con nối mà phát hiện thêm những nhân tố mới, trong đó có những cháu nhỏ tuổi.

"Một lần nữa, tính lan tỏa, tính hấp dẫn nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật ĐCTT vẫn chiếm vị trí trong đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân", ông Viên nhận định.

Tin cùng chuyên mục