Ngày 23-10, tại Nhà Quốc hội, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã khai mạc. Tham dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu khái quát những nội dung quan trọng nhất trong chương trình kỳ họp vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị.
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 1-7-2024; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, kế hoạch năm 2024. Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026 và các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 cũng sẽ được cơ quan lập pháp xem xét, quyết định.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi). Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Riêng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã cho ý kiến 2 lần tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
“Về cơ bản, dự án luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể. Tuy nhiên, hiện dự án luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn 2 phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị Quốc hội tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau. Đối với các nội dung có thiết kế 2 phương án, đề nghị phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, xem xét khách quan, toàn diện để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn của luật này khi được Quốc hội thông qua.
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: QUANG PHÚC |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày, tập trung vào việc thực hiện các lời hứa, cam kết của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và yêu cầu của Quốc hội đối với các đồng chí này trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, tâm huyết và trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khi xem xét quyết định đối với từng nội dung của kỳ họp.
Xem xét sự gương mẫu của người thân khi lấy phiếu tín nhiệm cán bộ
Chiều 24-10, Quốc hội sẽ bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm. Trao đổi với báo giới, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La) nhấn mạnh, khác với những lần trước, kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn sẽ làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm cũng có nhiều điểm đáng chú ý so với trước đây. Cụ thể, tiêu chí đánh giá tín nhiệm có xem xét cả sự gương mẫu không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật. Tổng số các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn hiện nay có 49 người. Tuy nhiên, theo quy định, những người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Điều đó có nghĩa là những chức danh được bầu và phê chuẩn từ ngày 1-1-2023 không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, tại kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với dự kiến 44 nhân sự.