Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) cho biết: ĐCTT là một tài sản vô giá mà cha ông ta để lại. Trải qua hơn 100 năm ra đời và phát triển, sau này có đóng góp các hơi điệu phong phú như: ca ra bộ, vọng cổ, cải lương của các thế hệ tiếp nối, nhưng ĐCTT vẫn tuân thủ nghiêm và giữ gìn tinh tuý của 20 bài bản tổ.
Ông Trung cho rằng, thật tự hào, kể từ năm 2014, nghệ thuật ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, âm nhạc ĐCTT trở thành tài sản không chỉ của người Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại.
Theo ông Trung, hội thi nghệ thuật ĐCTT được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, đến nay đã trở thành truyền thống. Đây chính là sân chơi của những tài tử đờn, tài tử ca… góp phần giữ gìn và bảo tồn loại hình âm nhạc ĐCTT vừa bình dân, vừa bác học.
Đoàn ĐCTT TP Cần Thơ dự thi đầu tiên với các tiết mục đặc sắc từ đơn ca, tam ca, song ca… gồm hòa đờn Ngũ đối hạ 21 câu do các nghệ nhân đờn như NNƯT Hai Lợi, NNƯT Hoàng Lưỡng; NNƯT Duy Tuấn; nghệ nhân Văn Năm; nghệ nhân Hữu Quí biểu diễn.
Cùng với đó là sự góp mặt của nghệ nhân Vân Anh, Ngọc Vẹn, NNƯT Thành Tùng, NNƯT Kiều Nga, đặc biệt là nghệ nhân nhí Như Ý vừa tròn 9 tuổi… với các tiết mục tam ca Nam xuân – Cần Thơ niềm tin và hy vọng...
Các tiết mục của TP Cần Thơ với ca từ vui tươi, thể hiện niềm tin và hy vọng vượt qua đại dịch, phát triển kinh tế, xứng tầm là đô thị miền sông nước, trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL. Sau phần thi đoàn TP Cần Thơ, là các tiết mục của đoàn Tây Ninh, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp…
Hội thi diễn ra từ nay đến ngày 10-4. Lễ tổng kết trao giải vào đêm bế mạc liên hoan ĐCTT Nam bộ tại Quảng trường quận Bình Thủy vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 11-4.