Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Hà Nam.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Tính đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT thời kỳ mới” sắp 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một Nghị quyết rất quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển VH-NT trước yêu cầu mới thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của nền văn hóa nước nhà. Việc tổ chức hội thảo lần này là bước chuẩn bị quan trọng, có tính tổng kết để tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, từ đó, nhìn nhận, đánh giá, góp phần bổ sung và hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển VH-NT; việc thể chế hóa, cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước phát triển VH-NT thời kỳ chấn hưng nền văn hóa dân tộc, đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện văn hóa số, văn nghệ số, truyền thông số, xã hội số và hội nhập sâu rộng, tích cực với thế giới. Hội thảo nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của đông đảo các cơ quan tuyên giáo, văn hoá, văn nghệ, báo chí; các nhà quản lý, nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước, với trên 153 bài tham luận.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, thực tiễn phát triển của VH-NT nước ta trong 15 năm qua là minh chứng đúng đắn và sinh động về sự tác động tích cực, to lớn, nhiều mặt của Nghị quyết 23 đối với lĩnh vực này. Những kết quả và bài học đạt được là to lớn. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập, yếu kém ở các khía cạnh khác nhau của đời sống VH-NT cũng bộc lộ rõ, có mặt đáng lo ngại.
Theo đó, các tham luận tại hội thảo bám sát tinh thần, nội dung của Nghị quyết 23-NQ/TW, nhất là phần mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển VH-NT nước nhà trong thời kỳ mới. Mặt khác, liên hệ, minh chứng sinh động, sâu sắc tình hình thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ở các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó, về chủ trương và các giải pháp, hội thảo cần làm rõ và đầy đủ hơn việc nội dung trong Nghị quyết 23 về “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của VH-NT về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền VH-NT nước nhà… Đồng thời, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam".
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, nhận rõ những ưu điểm, kết quả; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, các đại biểu đồng thời xác định nguyên nhân và bài học; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất đột phá để phát triển VH-NT nhiều năm tiếp theo được nêu trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24-11-2021.
Theo kế hoạch, các đại biểu sẽ tiếp tục tham luận đến hết ngày 19-12. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ thay mặt Ban Bí thư có bài phát biểu quan trọng đánh giá khái quát việc thực hiện Nghị quyết 23, chỉ đạo việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW được tiến hành trong năm 2023, xác định các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển VH-NT trong thời gian tới.