Đây là sự kiện rất mới mẻ có tính đột phá trong chặng đường phát triển của ngành Vật lý năng lượng cao và vũ trụ học do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Viện Đa ngành Hubert Curien (IPHC, Pháp), Dự án STRONG2020 (châu Âu) và Trung tâm nghiên cứu Axion và Vật lý đo với độ chính xác cao thuộc Viện Khoa học Cơ bản (IBS-CAPP) đồng tổ chức.
Tại sự kiện, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, chia sẻ, hạt Axion là một trong những bí ẩn hàng đầu trong vật lý ngày nay. Lần đầu tiên, hạt Axino được đề cập như một dạng của hạt cơ bản vào năm 1997 do nhà vật lý Peccei-Quinn. Giới Vật lý hạt kỳ vọng, nếu tìm thấy, xác định được hạt này thì khả năng sẽ tìm ra manh mối vật chất tối trong vũ trụ mà giới khoa học đang tìm kiếm, chứng minh trong gần 100 năm qua.
Thông qua hội nghị, các nhà khoa học sẽ trình bày trên 50 bài nghiên cứu toàn thể, liên quan đến các chủ đề như: vấn đề đối xứng CP trong tương tác mạnh và các mô hình Axion; vũ trụ học với Axion; tìm kiếm Axion từ các thiên hà bằng các thiết bị haloscope và ăng ten khác; tìm kiếm Axion từ mặt trời bằng kính thiên văn và máy dò dưới lòng đất; tìm kiếm các hạt tựa Axion bằng máy gia tốc hạt; tìm kiếm ở mức năng lượng thấp các hạt tựa Axion, lực thứ năm và hiện tượng ánh sáng xuyên tường… Bên cạnh đó, các diễn giả cũng sẽ trình bày và thảo luận những kết quả nghiên cứu và thực nghiệm mới nhất. Kết quả từ hội nghị sẽ hướng các nhà nghiên cứu đến con đường đúng đắn, gần nhất để huy động cộng đồng Vật lý hạt thế giới săn lùng hạt Axion.
Đặc biệt, hội nghị dành sự quan tâm đến nghiên cứu mới và các nhà nghiên cứu trẻ, thế hệ kế cận. Họ được ưu tiên trình bày, trao đổi các vấn đề của mình và có cơ hội tìm thấy sự kết nối, hợp tác với các giáo sư, nhà khoa học đầu ngành để định hình con đường nghiên cứu của mình”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ thêm.
Sáng 5-8, tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội nghị quốc tế về vật liệu từ tiên tiến và ứng dụng lần thứ 5 (ISAMMA 2024). Hội nghị thu hút 315 nhà khoa học và doanh nghiệp, học giả hàng đầu của châu Á và thế giới đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 180 nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Italy, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Philippines...
Với chủ đề về đổi mới sáng tạo và kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt được quan tâm thúc đẩy với nỗ lực tạo ra giá trị xã hội từ cảm hứng đổi mới sáng tạo, tại hội nghị, các nhà khoa học đã trao đổi các nghiên cứu mới về vật liệu từ tiên tiến, điện tử học spin, vật liệu từ mới nổi, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo để tái tạo năng lượng và ứng dụng từ tính nano sinh học trong chăm sóc sức khỏe con người. Theo GS Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch chi hội Vật lý Từ học Việt Nam, ISAMMA 2024 không chỉ có giá trị về khoa học đỉnh cao mà còn là sự kiện thúc đẩy tinh thần hội nhập và hợp tác bình đẳng của khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học trong châu lục và thế giới. Đây là cơ hội để thúc đẩy, tăng tốc các nghiên cứu và ứng dụng vật liệu từ cho công nghiệp Việt Nam.
Ngày 5-8, tại Trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) đã khai mạc Trường hè quốc tế Vật lý, Toán năm 2024. Trường hè do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) tổ chức, diễn ra từ ngày 5 đến 10-8.
Trường hè năm nay bao gồm 4 khóa học ngắn, 1 bài giảng đại chúng, cùng một số báo cáo và những buổi thảo luận khoa học. Trường hè thu hút 70 thành viên tham dự đến từ 15 quốc gia, trong đó có 30 thành viên đến từ nước ngoài. Qua đó, kết nối các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên đam mê Vật lý, Toán học nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực này ở Việt Nam và châu Á. TS Lê Hồ Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) cho biết, Trường hè quốc tế Vật lý, Toán được khởi xướng bởi GS Phan Thành Nam ở Đại học LMU Munich, Đức và được đồng tổ chức hàng năm bởi VIASM và đối tác, trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030.