Ở đầu cầu Việt Nam (Nhà Quốc hội) có sự tham gia của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, đại diện Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành có liên quan (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại diện Đại sứ quán các nước thành viên Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế liên quan. Ở các điểm cầu quốc tế có sự tham gia của đại diện Nghị viện một số nước thành viên AIPA, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Tổng Thư ký AIPA.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Hội nghị lần này là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, Chủ tịch AIPA 2020 với mong muốn các nghị viện thành viên, các đối tác cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc; qua đó góp phần duy trì bản sắc văn hóa ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, thế giới hiện nay của chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa, đặc biệt đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân trong khu vực và trên thế giới. Đây là trở ngại trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.
“Với vai trò là các nhà lập pháp, chúng ta cần có các hành động để thực hiện trách nhiệm và cam kết của mình đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như đã được khẳng định trong Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IPU 132 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” vào tháng 4-2015. Trong khuôn khổ của Hội nghị lần này, chúng ta sẽ tập trung cho chủ đề hợp tác giáo dục và văn hóa. Đây là những vấn đề lớn có ý nghĩa trong việc xây dựng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN”.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam, trong những năm qua, hợp tác giáo dục và văn hóa giữa các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và thúc đẩy, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục trong khối ASEAN hiện vẫn gặp một số trở ngại như: Khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên vẫn còn khá lớn về chất lượng, trình độ quản lý, ngân sách dành cho giáo dục…, thiếu tính kết nối giữa các hệ thống đào tạo khác nhau, việc công nhận bằng cấp của nhau và quốc tế hóa bằng cấp trong khu vực. Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di sản văn hóa trong ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm và hệ quả của việc khai thác du lịch quá mức.
Để nâng cao và phát huy tốt hơn quan hệ đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững, lãnh đạo Quốc hội Việt Nam mong muốn qua Hội nghị lần này, các vị đại biểu sẽ chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của mình về vai trò của Nghị viện trong việc xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc công nhận chất lượng giáo dục và liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực; cơ chế hợp tác trong phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19; việc huy động và phát huy các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực văn hoá, việc xây dựng hành lang pháp lý, nâng cao ý thức về du lịch có trách nhiệm; bảo tồn và kết nối di sản văn hóa trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch bền vững; việc huy động và phát huy nguồn lực cho bảo tồn di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa là chủ đề sẽ được thảo luận.
Với vai trò và tầm quan trọng của các nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam mong muốn các nghị viện thành viên AIPA xem xét khả năng thiết lập một cơ chế lâu dài của AIPA về SDGs. Theo đó, hướng tới thành lập cơ chế định kỳ trong các năm tiếp theo, nước chủ nhà AIPA sẽ lựa chọn trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về các lĩnh vực khác nhau làm chủ đề hội nghị tùy theo tình hình và quan tâm của các nước.