Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này sẽ thảo luận, cho ý kiến 5 nội dung. Trong đó có ba nhóm vấn đề quan trọng:
Một là tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hai là Đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030. Ba là công tác cán bộ theo thẩm quyền của Trung ương.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ cho ý kiến về báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2024 và báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra giám sát năm 2025.
Để góp phần thành công cho hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở một số vấn đề để Ban Chấp Trung ương Đảng nghiên cứu, thảo luận và quyết định đối với những nội dung sau:
Về nhóm vấn đề tổng kết Nghị quyết 18, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là nội dung trọng tâm nhất của hội nghị lần này.
Thực hiện kết luận của Trung ương tại hội nghị ngày 25-11-2024 trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết 18 từ năm 2017 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt khẩn trương triển khai tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy mới trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội", với những bước đi lộ trình thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo đúng điều lệ của Đảng, quy định, nguyên tắc định hướng chỉ đạo của Trung ương.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chỉ trong 2 tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định; Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 cũng đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai hoạt động liên quan đến tổng kết Nghị quyết 18.
Các cơ quan, Ban Đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị xã hội Trung ương đều đã đi đầu nêu gương khẩn trương triển khai rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ sắp xếp đầu mối bên trong theo định hướng.
Chính phủ đã khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải tỏa tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp.
Các địa phương cũng đã tích cực, chủ động triển khai việc thực hiện, tổng kết, nghiên cứu, đề xuất phương án tinh gọn, kết thúc hoạt động sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương.
Việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ đánh giá rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong quá trình thực hiện, những nội dung thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được thực hiện ngay theo đúng tinh thần “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện và cấp huyện cũng không chờ cơ sở
- Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Ngày 30-12-2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư công bố Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của 3 Ban Đảng, 4 đơn vị sự nghiệp của Đảng và 6 tổ chức chính trị xã hội. Nhìn tổng thể, cho đến nay, nhiều phần việc đã vượt tiến độ đề ra và bảo đảm đúng định hướng của Trung ương chỉ đạo.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, sở dĩ các công việc được triển khai thuận lợi, nhanh là vì chúng ta biết kế thừa các kết quả công tác sắp xếp bộ máy tổ chức được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ trước. Nhiều vấn đề thực tiễn về bộ máy được đánh giá và thấy được sự cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả.
“Nay Trung ương đặt vấn đề tổng kết nên nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong Đảng, trong nhân dân, bởi đó là những vấn đề đã chín, đã rõ. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến vào báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ như giảm đầu mối, xóa bỏ trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an nhân dân", Tổng Bí thư nêu rõ.
Theo Tổng Bí thư, đây là những vấn đề đặc biệt hệ trọng, mang tính cách mạng cao, đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá cho ý kiến để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong tổ chức thực hiện. Đồng thời cho ý kiến về những công việc cần tiếp tục triển khai, để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nhằm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Về nhóm các vấn đề kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tại Hội nghị Trung ương 10 (tháng 9-2024), Trung ương thảo luận thông qua chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5% - 7 %, phấn đấu đạt 7% - 7,5 %, giai đoạn 2026 - 2030 định hướng mục tiêu tăng trưởng bình quân 7,5% - 8,5 %. Bộ Chính trị cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa các mục tiêu này để tổ chức thực hiện.
Từ sau khi Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng để tạo nền tảng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nhất là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường hoàn thiện hạ tầng nhân lực, nhất là những vấn đề mới được thúc đẩy tăng trưởng.
Trong đó, đáng chú ý như triển khai dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị, xây dựng trung tâm tài chính tại TPHCM, Đà Nẵng… Chỉ đạo các giải pháp để đột phá phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, coi đây là những động lực quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đến nay, cập nhật đầy đủ tình hình, kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 cho thấy, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi toàn diện 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng, quy mô kinh tế, GDP bình quân đầu người, lạm phát, năng suất lao động, doanh nghiệp và thu hút FDI, văn hóa, an sinh xã hội, lao động việc làm, đời sống nhân dân đạt những kết quả nổi bật cao hơn chỉ tiêu phấn đấu và đã báo cáo Trung ương, Quốc hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
"Đây là cơ sở để chúng ta có thể đặt mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể là đến năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên và tạo đà để tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ; đồng thời nhấn mạnh, nếu không phấn đấu các mục tiêu nêu trên thì nhiều khả năng sẽ không đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025, không thể thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể thực hiện được hai mục tiêu 100 năm đến 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng các chủ trương, phương án kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phương án giới thiệu, bố trí cán bộ các cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn.
Một số công việc khác liên quan đến công tác cán bộ nhằm từng bước hoàn thiện và tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đảm bảo các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu rất cao về phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Những công việc này cũng là tạo tiền đề cho công tác tổ chức cán bộ cho Đại hội XIV của Đảng.
Hai nội dung còn lại, gồm đánh giá, kiểm điểm sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024 và báo cáo công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025; Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương cho ý kiến, đặc biệt là nội dung liên quan đến sự điều hành, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Những phần làm được hay những ưu điểm thì chỉ cần các đồng chí ghi nhận, chúng tôi rất cần các đồng chí tập trung cho ý kiến về phần chưa được, những tồn tại, những nội dung cần phải sửa chữa, điều chỉnh cần triển khai thực hiện đối với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thậm chí đối từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
- Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở.
Theo Tổng Bí thư, trong bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, quyết đoán, quyết liệt, sự đoàn kết thống nhất từ khâu đề xuất chính sách tới việc triển khai thực hiện.
"Do vậy, tôi đề nghị các đồng chí Trung ương, các đại biểu về dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung để chúng ta đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.