Quan ngại về tình hình biển Đông
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. Tại hội nghị, các bộ trưởng ngoại giao đã thảo luận nhiều nội dung về tình hình xây dựng cộng đồng, quan hệ đối ngoại và rà soát việc chuẩn bị cho các hội nghị cấp cao cuối năm, cũng như trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Các bộ trưởng ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) trong 2019; nhất trí tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tiến phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Ghi nhận những tiến triển thời gian qua, các bộ trưởng ngoại giao nhất trí ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác. Nhân dịp này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cho Peru tham gia hiệp ước, đạt tổng số 38 bên tham gia hiệp ước.
Về tình hình biển Đông, các Bộ trưởng ra tuyên bố chung ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, nhất là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên biển Đông đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
Kỳ vọng sớm hoàn tất COC
Chiều cùng ngày, tại Bangkok, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc. Đề cập về tình hình thế giới và khu vực, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình biển Đông. Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông.
Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và hướng đến hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực. Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này và ASEAN đã hoàn tất trước kế hoạch phiên họp giới thiệu văn bản thương lượng dự thảo duy nhất của COC.
Về tình hình biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, nhưng cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các hành động như vậy, theo Phó Thủ tướng, đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế.
Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Ine Marie Eriksen Soreide.