Festival sẽ diễn ra đến hết ngày 1-5.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM phấn khởi cho hay, thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị mà những năm qua ngành nông nghiệp thành phố luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt từ 5% - 6%/năm, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân đất canh tác từ 158 triệu đồng/ha/năm vào năm 2010 lên 502 triệu đồng/ha/năm vào năm 2018. Để đạt được kết quả này, Thành phố đã triển khai thực hiện nhiều chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng nông nghiệp đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có hoa cây kiểng.
Cũng theo đồng chí Lê Thanh Liêm, trong cơ cấu ngành hoa kiểng của Thành phố, hoa lan được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn, diện tích trồng lan từ năm 2006 chỉ 63ha đến năm 2018 lên 375ha. Sản lượng cung ứng ra thị trường trong năm 2018 đạt 80 triệu cành và trên 5 triệu chậu hoa lan các loại, đạt giá trị gần 850 tỷ đồng, chiếm 72% giá trị sản xuất hoa cây kiểng. Người trồng lan có thu nhập khá, bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Chính vì vậy, Festival hoa lan TPHCM năm 2019 sẽ là nơi gặp gỡ, giới thiệu, quảng bá thương hiệu hoa lan và các sản phẩm hoa kiểng, kết nối phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp đô thị.
Fetival hoa lan năm nay quy tụ 110.000 chậu, cây hoa các được triển lãm và thi trong khuôn khổ lễ hội; trong đó hoa lan có khoảng 22.000 cây - chậu, hoa nền các loại: 97.811 chậu.
Festival năm nay có 19 tỉnh thành có các nghệ nhân, nhà vườn, trang trại tỉnh Bình Dương, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Tháp, An Giang, Đăk Nông… tham gia.
Hội thi năm nay còn thiết kế và bán chương trình du lịch gắn với các điểm du lịch nông nghiệp gắn kết với các nhà vườn, khu điểm sinh thái, vườn cây ăn trái, các trang trại, làng nghề… để khai thác các điểm đến du lịch gắn với nông nghiệp.