Tối 22-1 (nhằm 28 tết), tại TPHCM đã chính thức khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Canh Tý 2020.
Đến dự lễ khai mạc có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TPHCM cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM.
Lãnh đạo TPHCM và các đại biểu tham quan đường hoa
Trải qua 16 năm tổ chức, đường hoa đã trở thành thương hiệu của TPHCM, là một trong những sự kiện văn hóa đặc biệt được tổ chức mỗi dịp xuân về, là điểm du xuân thú vị cho người dân TPHCM và du khách nước ngoài, thể hiện trọn vẹn ý nghĩa tết đầm ấm, vui tươi, nhân văn, nghĩa tình. Đặc biệt đường hoa năm nay gửi gắm thông điệp năm chủ đề của thành phố, năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Canh Tý 2020 có chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh - Vững tin tiến bước"
Đường hoa mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống và thông điệp bảo vệ môi trường
Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Canh Tý 2020 có chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh - Vững tin tiến bước", đón khách du xuân từ tối 22-1 (28 tết) đến 21 giờ ngày 28-1-2020 (mùng 4 Tết). Đường hoa được thiết kế độc đáo, trải dài gần 700 mét trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, từ ngay phía sau đài phun nước nghệ thuật đến giao lộ Tôn Đức Thắng.
Đường hoa năm nay còn mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống và thông điệp bảo vệ môi trường, được thiết kế thành ba phân đoạn chính, xây dựng theo từng chủ đề: Xuân của đất trời, Xuân của tình người; Thành phố phát triển, Bền vững niềm tin và Thành phố hiện đại, Tiến bước vươn xa. Gần 130 linh vật được tạo hình độc đáo, bố cục trải dài khắp trục đường Nguyễn Huệ, thể hiện hình tượng chú chuột năm Canh Tý thông minh, linh hoạt, đoàn kết, gắn với các chủ đề về con người, văn hoá của vùng đồng bằng sông nước Nam bộ và môi trường xã hội hiện đại. Đáng chú ý có các đại cảnh: gia đình chuột vui xuân, Hội xuân - tái hiện hoạt động truyền thống đua thuyền sông nước; Vườn lan xuân với hiệu ứng mái aluminium gương, tạo sự tương phản hình ảnh; Bức tranh mùa xuân thể hiện sự giao thoa giữa thiên nhiên đất trời, được thiết kế với các trụ hoa có mô tơ chuyển động, giúp người xem cảm nhận một khung cảnh nhiều tầng lớp, nhiều sắc độ...
Trước đó, vào lúc 17 giờ, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cùng các đơn vị phối hợp đã tổ chức khai mạc Lễ hội đường sách Tết 2020 chủ đề "Điều diệu kỳ từ sách", tại cung đường Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi. Đến dự lễ khai mạc đường sách tết có Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm. Lễ hội đường sách tết là hoạt động văn hóa góp phần khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố, tạo không gian giải trí, hoạt động văn hóa vui xuân cho người dân và du khách đến thành phố trong dịp Tết cổ truyền và đánh dấu hành trình 10 năm đường sách tết.
Lãnh đạo TPHCM tham quan đường sách
Lãnh đạo TPHCM và các đại biểu tham quan các bià báo xuân đoạt giải năm nay
Lễ hội đường sách đón chào khách du xuân đến hết ngày 28-1-2020 (mùng 4 tết Nguyên đán), tổ chức trên 3 tuyến đường Mạc Thị Bưởi – Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế, được thiết kế theo các chủ đề: Điều kỳ diệu từ sách, Cà phê, sách và công nghệ, Thế giới diệu kỳ của em, với hơn 60.000 đầu sách. Điểm nhấn của đường sách tết là triển lãm tư liệu và hình ảnh kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, triển lãm sách thư pháp Những lời dạy của Bác Hồ của nhà thư pháp Võ Dương (110cmx150cm), triển lãm mô hình Nhà giàn DK1 kỷ niệm cột mốc 30 năm hình thành Nhà giàn DK1… bên cạnh các hoạt động: triển lãm tư liệu sách, hình ảnh, báo xuân, các ấn phẩm chào mừng 10 năm lễ hội đường sách tết, sách cho người khiếm thị, sách tổng hợp, sách thiếu nhi…
Trao giải bìa báo xuân đẹp cho các đơn vị
Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và Hội Nhà báo TPHCM trao giải bìa báo xuân đẹp cho các đơn vị: Giải nhất thuộc về Báo Người Lao Động; hai giải nhì thuộc về Báo Thể thao và Văn hoá, Báo Quân đội nhân dân; ba giải ba trao cho Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Rùa Vàng và Báo Văn Nghệ, bên cạnh 10 giải khuyến khích và biểu dương 3 bản tin quận, huyện.