Với sự tham gia của khoảng 180 đại biểu thuộc 17 nền kinh tế thành viên APEC, Diễn đàn VOF nhằm tăng cường hiểu biết về các mục tiêu và mục đích của APEC, đóng góp vào quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa thanh niên các nền kinh tế APEC; thúc đẩy vai trò tích cực và mang tính xây dựng của thanh niên tại các khu vực trong quá trình xây dựng tương lai chung “hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng”. Đây cũng là dịp để thanh niên các nền kinh tế APEC bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề thanh niên lên các nhà lãnh đạo APEC.
Diễn đàn VOF gồm có các phiên họp: Phiên toàn thể với chủ đề “Làm thế nào để tạo động lực mới, cùng nhau vun đắp tương lai chung giữa thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương”; phiên đối thoại với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập giữa thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương”; “Doanh nghiệp, sáng tạo và bền vững - Những khó khăn của khởi nghiệp và thời đại số hóa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, cho biết: Diễn đàn VOF lần này là cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của thanh niên các nền kinh tế APEC vì sự phát triển chung. Với chủ đề tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung, hy vọng rằng các đại biểu thanh niên sẽ tích cực tham gia thảo luận về những nội dung, chương trình, kế hoạch hành động; cùng tập trung trí tuệ đưa ra sáng kiến và đề xuất giải pháp có giá trị để thúc đẩy hợp tác thanh niên APEC cũng như tăng cường sự tham gia của thanh niên APEC trong quá trình giải quyết các vấn đề phát triển của khu vực cũng như toàn cầu...
Các đại biểu tham gia diễn đàn sẽ có 4 nhóm thảo luận về đóng góp của thanh niên đối với tầm nhìn APEC hướng tới năm 2020 và tương lai; hòa nhập về kinh tế, tài chính và xã hội; phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Diễn đàn tập trung vào hai ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thanh niên đóng góp tích cực vào việc tạo động lực mới, cùng xây dựng tương lai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng ngày, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chính thức được khai mạc với sự tham dự của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Tại Hội nghị CSOM diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-11, đại biểu của các nền kinh tế thành viên APEC tập trung thảo luận về các nội dung quan trọng, đánh giá lại tiến trình của hợp tác APEC, báo cáo lên các lãnh đạo về từng vấn đề.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, năm nay có nhiều khó khăn thách thức và cơ hội đối với các nền kinh tế thành viên APEC. Mặc dù vậy, các nền kinh tế thành viên APEC đều đã cố gắng đạt được nhiều kết quả quan trọng, duy trì động lực hợp tác, đạt được thống nhất trong hàng loạt các vấn đề quan trọng, thúc đẩy ưu tiên hợp tác của năm APEC 2017, hỗ trợ các thành viên APEC cùng phát triển.
Chủ tịch Hội nghị quan chức cao cấp (SOM) APEC 2017 Bùi Thanh Sơn kêu gọi các vị quan chức cao cấp tận dụng cuộc họp này để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp sắp tới ở cấp bộ trưởng và cuộc họp của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.
ABAC kêu gọi thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu
Tối 6-11, sau 3 ngày họp kín, Hội đồng tư vấn kinh doanh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC - ABAC) đã mở họp báo, công bố kết quả và những kiến nghị sẽ được trình lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC vào ngày 10-11 tới.
Tại buổi họp báo, ABAC cho biết sẽ trình lên lãnh đạo cấp cao APEC kiến nghị, tập trung vào 3 nội dung chính là tiếp tục hội nhập sâu hơn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và tầm nhìn 2020 và những năm sau đó. ABAC kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC thúc đẩy hơn nữa tự do hóa thương mại và đầu tư.
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC 2017, cho rằng sự hồi phục về kinh tế trong khu vực và toàn cầu đang diễn ra nhưng đó chỉ là sức tăng so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vì vậy, cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi hơn nữa cho tăng trường kinh tế bền vững, để đảm bảo không mất đi đà tăng trưởng.
NGUYỄN HÙNG - ĐỖ VĂN