Ngày 19-12-2022 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ KH-ĐT phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ cùng trao đổi, làm rõ bức tranh về dòng chảy đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới và tại Việt Nam, những lĩnh vực công nghệ thu hút đầu tư, cũng như đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam”.
Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu được lựa chọn là chủ đề cho diễn đàn năm nay trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn. Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia, trong đó các cơ hội đầu tư đang càng trở nên khó khăn hơn đối với cả các startups và các nhà đầu tư.
Theo phân tích của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý 3-2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý 3-2022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý 2-2022.
Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng do một số yếu tố chính như: tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4-5%/năm; quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân; mức độ phủ internet sâu rộng, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số dự đoán đạt 200 tỷ USD trong năm 2022, sớm 3 năm so với các dự đoán trước đó. Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng Internet lên 460 triệu người.
Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures, nhận định: “Trong thập kỷ đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ. Đến năm 2022, Việt Nam là trụ cột thứ ba của “tam giác vàng” này, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng. Việc kết hợp các yếu tố này với nhau đã giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á”.