Diễn đàn có sự tham gia của nhiều đại diện lãnh đạo của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín ở trong nước và ngoài nước.
Đây là cơ hội nhìn lại nền kinh tế Việt Nam năm 2018 và bàn thảo các vấn đề lớn về kinh tế, đồng thời định hướng cho thời gian tới, nhất là trong việc đánh giá tình hình, xu thế, nhận diện các cơ hội, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế.
Diễn đàn cũng sẽ đề xuất, kiến nghị các chính sách, giải pháp lớn thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lần thứ ba được tổ chức, Diễn đàn kinh tế Việt Nam là sự kiện thường niên, thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội, đồng thời là nơi hội tụ trí tuệ, giao lưu, chia sẻ, học hỏi và kết nối của của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về các vấn đề kinh tế.
Tại diễn đàn, ngoài các phiên hội thảo chuyên đề, phiên đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” sẽ diễn ra vào chiều 17-1 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; ông John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie cũng như có đại diện cấp quốc gia của các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên hội thảo chuyên đề và Đối thoại chính sách.
Trong khuôn khổ diễn đàn, sáng 16-1 đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”. Tham dự có các chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Bangladesh, Maldives), các tổ chức quốc tế đa phương (IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Tài chính dự án và hạ tầng (IPFA), Bộ Tài chính Indonesia, Bộ Tài chính Thái Lan, Công ty PwC.
Tại hội thảo này, các ý kiến đều thống nhất, cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia và thậm chí rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong những năm qua, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đều có những tồn tại, hạn chế nhất định trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là về quản lý, huy động vốn, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; chất lượng, hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công chưa cao.
Các ý kiến đều đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng cũng như những cải cách hiện hành về quản trị hạ tầng. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Thực tế, huy động vốn cho hạ tầng ở châu Á từ trước đến nay vẫn dựa vào ngân sách của chính phủ và vay nợ từ các cơ quan song phương và ngân hàng đa phương. Các chuyên gia đã chỉ ra những cơ hội và thách thức liên quan đến các nguồn vốn truyền thống, cũng như các phương thức huy động vốn hiện đại, hướng nhiều hơn đến khu vực tư nhân, bao gồm từ huy động vốn trái phiếu và từ quỹ hạ tầng đến huy động vốn qua hợp tác công-tư.
Đáng chú ý, với hình thức đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư (PPP), các ý kiến đều nhấn mạnh, hầu hết các quốc gia châu Á đều đã và đang đẩy mạnh thực hiện PPP trong 15 năm qua. Khi dư địa tài khóa hạn hẹp, cơ chế này mở ra cơ hội phát triển hạ tầng nhưng cũng tạo ra những rủi ro mới, đòi hỏi phải có những thông lệ tốt nhất về thể chế và pháp lý nhằm quản lý hiệu quả các cơ chế đó. Những kinh nghiệm thẩm định và lựa chọn minh bạch các dự án PPP cũng đã được khuyến nghị cho phía Việt Nam, dựa trên các điển hình quốc tế và khu vực – bao gồm các phương pháp luận đánh giá chi phí và lợi ích, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, thiết lập phương thức “cửa ngõ” nhằm lựa chọn dự án, và thiết lập các tiêu chí lựa chọn dự án PPP minh bạch.
Các ý kiến cũng cho rằng, để các dự án hạ tầng được triển khai đúng tiến độ và đảm bảo hiệu quả kinh tế (tránh đội vốn và chậm tiến độ), Chính phủ cần đảm bảo đủ vốn cho các dự án, theo dõi minh bạch và quản lý dự án hiệu quả, bao gồm cả trường hợp PPP…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Vũ Đại Thắng, hội thảo chia sẻ những thông lệ, chuẩn mực quốc tế và bài học kinh nghiệm tốt của quốc gia về cải cách và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là quản trị và huy động vốn... là cơ hội rất tốt để chúng ta tiếp cận đổi mới thể chế quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển.