Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ trì và phát biểu tại diễn đàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Diễn đàn lần này được tổ chức trong thời điểm kinh tế thế giới có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 đang gây tác động tiêu cực đến toàn thế giới. Đây cũng là năm bản lề của một kỳ kế hoạch, một thập kỷ mới, nên chúng ta rất cần cùng ngồi lại để trao đổi, tìm ra những hướng phát triển mới vững vàng hơn cho khu vực kinh tế hợp tác trong tương lai”.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, hợp tác xã (HTX) là thể chế không thể thiếu, góp phần vào sự phát triển hài hòa về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; là tất yếu đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi các tập đoàn, công ty lớn không muốn đầu tư, phát triển.
Tại Việt Nam, phát triển kinh tế tập thể luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Chính phủ nhằm hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế hợp tác phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
So với các thành phần kinh tế khác, tổ chức kinh tế tập thể phát triển vẫn hết sức khó khăn, tốc độ tăng trưởng chỉ bằng 50% tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, do đó tỷ trọng của khu vực kinh tế này đóng góp vào GDP ngày càng suy giảm. Chính vì thế, kinh nghiệm quốc tế và thực tế cho thấy yêu cầu bức thiết của việc liên kết, hợp tác để phát huy các giá trị của tổ chức và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Trao đổi thêm bên lề diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế hợp tác, HTX có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội của nước ta, nhất là từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành. Tư duy về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác” đã bước đầu thành công, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường. Thời gian qua, dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực kinh tế tập thể vẫn hoạt động khá ổn định.
Số lượng HTX tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Năm 2020, cả nước có 26.100 HTX, thu hút gần 6,1 triệu thành viên, tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người.