Với mục tiêu chính là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trao đổi, thảo luận về các bài học thành công và thất bại của các quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam, qua đó đóng góp cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được tổ chức vào đầu năm 2021 và đặc biệt là đóng góp cho xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025, trong sáng nay, Diễn đàn sẽ có 2 phiên thảo luận với các chủ đề về "Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập" và "Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình". |
Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đương - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).
Thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.
Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
"Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định. |
Trong phiên toàn thể buổi chiều với chủ đề "Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì điều hành.
Tại phiên họp toàn thể với chủ đề Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng, các diễn giả sẽ chia sẻ về các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình thông qua đổi mới sáng tạo và khuyến nghị cho Việt Nam; tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đạt được năng suất cao hơn: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam và định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
VRDF là sự kế thừa, tiếp nối Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) trước đây và sau đó là Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF); thể hiện sự chủ động, bình đẳng của Việt Nam trong mối quan hệ với các đối tác phát triển, ngày càng thu hút được sự tham gia rộng rãi của các nhà hoạch định chính sách, đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như khu vực tư nhân. |