Khai mạc Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3: Xây dựng lòng tin, hợp tác vì hòa bình

Ngày 28-8, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3) diễn ra tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 100 đại diện chính phủ, các chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu đến từ 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ.
Khai mạc Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3: Xây dựng lòng tin, hợp tác vì hòa bình

(SGGP).– Ngày 28-8, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3) diễn ra tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 100 đại diện chính phủ, các chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu đến từ 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ.

Các nước đã tập trung thảo luận vào các nội dung cụ thể gồm: Cập nhật, trao đổi, đánh giá về tình hình hợp tác biển hiện nay của khu vực; tăng cường hợp tác nhằm ứng phó kịp thời với những thảm họa và va chạm trên biển; tăng cường an ninh, an toàn và tự do hàng hải thông qua việc triển khai hữu hiệu các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như các công cụ khu vực nhằm ngăn ngừa và kiểm soát xung đột; kinh nghiệm thực tiễn và các khuyến nghị nhân dịp 20 năm thực hiện Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và định ra phương hướng tương lai của diễn đàn.

Các quan chức tại Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3).

Diễn đàn lần này cũng nhằm phát huy những mục tiêu đã đặt ra từ trước như tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực, xác định những lĩnh vực hợp tác và tạo khung chính trị cho hợp tác biển. Chia sẻ kinh nghiệm về cứu trợ nhân đạo và tìm kiếm, cứu hộ liên quan đến cơn bão Hải Yến hay vụ tai nạn máy bay MH370.

Đối với các lĩnh vực hợp tác cụ thể, các nước tập trung vào một số lĩnh vực thiết thực như cứu trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, trong đó có việc hỗ trợ và đối xử nhân đạo với ngư dân và thiết lập cơ sở đường dây nóng cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi hải sản, hợp tác đánh bắt cá...

Bên cạnh đó, diễn đàn đề cao việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, UNCLOS cũng như các cam kết khu vực, đặc biệt là thực hiện đầy đủ và hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử DOC, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Các nước đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện kiềm chế, ngăn ngừa việc tái diễn các vụ việc phức tạp ở biển Đông. Theo đó, các đại biểu hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc sớm đi vào bàn việc cụ thể hóa các quy định tại Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế và không có hành động làm phức tạp tình hình; đồng thời thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm có Bộ Quy tắc COC.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng đoàn Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải, cũng như đánh giá cao nỗ lực của các nước, nhất là trước các diễn biến phức tạp ở khu vực. Thứ trưởng chia sẻ với phát biểu của các nước về sự cần thiết của việc tăng cường xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của LHQ, ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển... Thứ trưởng cho rằng xây dựng lòng tin là cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác biển, trong đó có các lĩnh vực như quản lý thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm và cứu nạn…

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục