Dự phiên thứ nhất đại hội có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Phạm Minh Hùng, Trưởng Cơ quan Thường trực Trung ương Hội Nông dân tại miền Nam... Cùng dự có 300 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 57.000 hội viên nông dân trên địa bàn TPHCM.
Trước phiên khai mạc đại hội, các đại biểu dự đại hội đã dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Huệ, quận 1). Ảnh: TRẦN YÊN |
Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM nhiệm kỳ 2018-2023 Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân TPHCM lần thứ X, dù có gần nửa thời gian là phòng chống dịch Covid-19, song ở từng thời điểm, tổ chức hội đã linh hoạt đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng chất và đạt hiệu quả tích cực. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố được chuyển đổi từ nhận vốn ủy thác sang cấp vốn điều lệ đã phát huy hiệu quả vai trò trợ lực cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành nên những mô hình hoạt động hiệu quả, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo, thu nhập ổn định, kinh tế phát triển…
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu tặng hoa của Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chúc mừng đại hội. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, phấn khởi với những kết quả đạt được nhưng không thể xem nhẹ những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực, những thách thức từ xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động từ quá trình đô thị hóa tại TPHCM.
Do đó, bà Nguyễn Thanh Xuân yêu cầu đại hội tập trung thảo luận, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống, tạo nền tảng thúc đẩy phong trào đi sâu vào đời sống của hội viên nông dân, gắn với công tác hỗ trợ nguồn vốn, đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM nhiệm kỳ 2018-2023 Nguyễn Thanh Xuân phát biểu khai mạc đại hội. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cùng với đó, bàn giải pháp hỗ trợ hội viên nông dân thi đua khởi nghiệp, chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất, chuyển đổi số tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP có chất lượng, giá trị kinh tế cao và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ nông sản. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò Hội Nông dân là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước trong thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Đại hội cũng bàn giải pháp để tổ chức hội phát triển ngày càng vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc, tập hợp, đoàn kết và chăm lo tốt nhất cho cán bộ, hội viên nông dân; là nơi khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người nông dân; nơi lan tỏa sâu rộng giá trị không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tôn vinh những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các giá trị văn hóa dân tộc và đặc trưng văn hóa, con người thành phố.
Các đại biểu tham quan các khu vực triển lãm tại đại hội. Ảnh: TRẦN YÊN |
Đại hội lần này còn tập trung xem xét và bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân TPHCM lần thứ XI; bầu Đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII.
Với tinh thần “Đoàn kết – Đổi mới – Văn minh – Phát triển”, đại hội xác định phương hướng chung là xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh toàn diện; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân TPHCM trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung xây dựng Hội Nông dân TPHCM vững mạnh về chính trị, tổ chức và hành động, là trung tâm đoàn kết, nòng cốt của phong trào nông dân và giai cấp nông dân tại TPHCM. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn…
Dịp này, Hội Nông dân TPHCM ra mắt giao diện mới Trang tin điện tử và phần mềm quản lý hội viên, cán bộ hội. Ảnh: TRẦN YÊN |
Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2023-2028
- Kết nạp từ 7.000 hội viên nông dân mới trở lên.
- Thành lập mới 30 chi hội Hội Nông dân nghề nghiệp và 200 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
- Phấn đấu bồi dưỡng, tạo nguồn 500 hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng và có ít nhất 150 hội viên ưu tú được kết nạp Đảng.
- Có 100% chi hội đảm bảo quỹ hoạt động của Hội.
- Trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 6.000 hội viên trở lên, tỷ lệ hội viên có việc làm sau đào tạo đạt 90%.
- Hỗ trợ 1.000 hộ hội viên nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.
- Hằng năm có từ 65% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 55% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
- Vận động từ 40% số hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.
- Vận động thành lập mới 400 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã nông nghiệp.
- Hỗ trợ 70% hộ hội viên nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo.
- Vận động 100% hộ hội viên cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đại hội Hội Nông dân TPHCM lần thứ XI cũng đề ra:
6 đề án:
- Đề án “Xây dựng tiêu chí Người nông dân mới TPHCM “Yêu nước – Gương mẫu, Năng động – Sáng tạo, Đoàn kết – Nghĩa tình”, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước”.
- Đề án “Tư vấn, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế nông thôn”.
- Đề án tiếp tục “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh thành trong nước giai đoạn 2023 – 2025”; Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông sản ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2025”.
- Đề án “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân TPHCM trong thời kỳ mới”.
- Đề án thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân TPHCM.
- Đề án Giải thưởng “Nông dân sáng tạo TPHCM”.
3 công trình
- Công trình “Xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP, Thương hiệu vàng nông nghiệp TPHCM”.
- Công trình “Trao tặng 500 công cụ sản xuất, phương tiện sinh kế và cây, con giống cho nông dân nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn” và “500 sổ tiết kiệm nghĩa tình” cho nông dân nghèo mắc bệnh nan y, hiểm nghèo”.
- Công trình “Trao tặng 5.000 suất học bổng Lương Định Của” cho con nông dân nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”.
2 chương trình
- Chương trình “Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2023 – 2030”.
- Chương trình “Nghĩa tình nông dân TPHCM vì biên giới biển, đảo – Kết nối biên cương”.