Đến dự và phát biểu tại lễ hội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đánh giá cao việc phục dựng và duy trì tổ chức lễ hội hàng năm của tỉnh Hà Nam và cho rằng đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục sâu sắc, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, vừa động viên khích lệ phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Lễ hội được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hà Nam cùng các địa phương, các cấp, ngành và nhân dân cả nước phát huy tinh thần lễ hội, thi đua đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; đổi mới tổ chức sản xuất, tăng hợp tác liên kết theo chuỗi với sự tham gia của các doanh nghiệp; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản; phấn đấu tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp năm 2019 đạt khoảng 3%, xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Sáng 11-2, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức lễ hạ nêu tại Đại nội để đánh dấu kỳ nghỉ tết kết thúc, bước vào một năm làm việc mới. Đồng thời, khai ấn, tặng chữ cho người dân và du khách. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết, kim ấn với bốn chữ “Phú - Thọ - Khang - Ninh” mang ý nghĩa “Giàu sang, Sống lâu, Khỏe mạnh, Bình yên” lấy xuống từ ngọn cây nêu ở Thế Tổ Miếu đem đóng vào các tờ giấy có ghi chữ như “Phúc, Lộc, Đạt, Tâm, Tiến...” tặng du khách đang tham quan Hoàng cung Huế. Sau lễ hạ nêu ở Thế Tổ Miếu, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế lần lượt hạ nêu ở điện Long An và các điểm di tích khác trong Hoàng cung - Đại nội Huế.