Khai hội Giang Xá tri ân công lao của Hoàng đế Lý Nam Đế lập nước Vạn Xuân

Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế, thành lập nước Vạn Xuân và khai hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024 là sự kiện văn hóa quan trọng để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước.

Ngày 21-2, chính quyền huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân và khai hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024.

Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, là dịp để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước; đồng thời tiếp tục giáo dục truyền thống đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Dự buổi lễ có Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Hoài Đức và du khách.

img-20240221-112356-2687.jpg
Một tiết mục văn nghệ tưởng nhớ tới công lao của Hoàng đế Lý Nam Đế

Tại lễ khai hội đình Giang Xá, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế. Lễ hội Giang Xá được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nhà nước Vạn Xuân.

img-20240221-111526-4427.jpg
Đội cờ người tại lễ hội đình Giang Xá

Diễn văn tại lễ kỷ niệm nêu rõ, theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, Lý Bí sinh ra ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Cha mẹ mất sớm, ông được pháp tổ thiền sư đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo (tức chùa Giang Xá, huyện Hoài Đức).

Lý Bí lớn lên có tài văn võ song toàn, lại có chí lớn, ông căm ghét chế độ đô hộ nhà Lương, bất mãn với sự tham lam tàn bạo của Tiêu Tư nên đã ngầm chiêu mộ quân sĩ để khởi nghĩa chống giặc nhà Lương... Sau khi đánh dẹp được quân Lương và Lâm Ấp, tháng Giêng năm Giáp Tý (năm 544), Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều. Việc xưng Đế hiệu, đặt Quốc hiệu là sự thể hiện ý chí độc lập, bản lĩnh kiên cường, thể hiện rõ nét ý thức trưởng thành của dân tộc. Ông lên ngôi Hoàng đế - vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, với vị thế sánh ngang các Hoàng đế Trung Hoa.

2b5a3504jpg-5716.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Lý Nam Đế lên ngôi được 4 năm (544 - 548). Sau nhiều trận giao tranh với kẻ thù không giành được thắng lợi, nên lui về động Khuất Lão dưỡng bệnh và qua đời ở đây. Nhân dân địa phương đã tổ chức an táng, xây lăng mộ và đền thờ Ngài. Khu lăng mộ và đền thờ tọa lạc tại xã Văn Lương (nay thuộc xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Từ nhiều năm qua, 3 địa phương là: phường Tiên Phong, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (nơi sinh của Lý Bí); làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội (quê hương thứ hai và cũng là nơi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa) và xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (nơi an táng Lý Bí) luôn liên hệ mật thiết với nhau.

Tin cùng chuyên mục