Xả chốt chặn, tránh ùn ứ
Đã qua ngày thứ 2 thực hiện khai báo “di biến động dân cư”, người dân TPHCM khi lưu thông đến các chốt kiểm dịch rất lúng túng trong thao tác khai báo, mất rất nhiều thời gian. Tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), người dân mất nhiều thời gian tại chốt để khai báo bằng mã QR mới được lưu thông.
Ảnh: CHÍ THẠCH
Tuy nhiên, những người giao hàng bắt buộc phải dừng lại, kiểm tra đơn hàng và khai báo bằng mã QR. Anh Võ Văn Hùng (ngụ tại đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) thắc mắc: “Tôi khai báo khi qua các chốt, tốn rất nhiều thời gian, thậm chí có chốt gần 15 phút mới xong việc khai báo và chờ lực lượng quét mã kiểm tra. Tập trung quá đông nên nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao”.
Sáng 15-8, do lượng phương tiện ùn ứ quá đông, chốt kiểm soát trên đường Đinh Bộ Lĩnh (đối diện Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh) buộc xả chốt lúc hơn 10 giờ. Một số chốt kiểm soát tại quận Gò Vấp cũng phải xả trạm vào giờ cao điểm nên bỏ qua luôn việc kiểm tra giấy đi đường, giấy thông hành...
Nhiều rắc rối phát sinh
Việc khai báo “di biến động dân cư” qua website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn còn một số bất cập. Hệ thống yêu cầu khai báo tới 18 mục, điền đầy đủ, nhưng khi bấm gửi thì cứ thông báo “không được để trống”, trong khi rõ ràng đã điền và kiểm tra rất đầy đủ. “Chưa kể, hệ thống còn bắt khai báo cả nhóm máu, tôi không biết mình nhóm máu gì nên cũng khai đại. Những thủ tục rườm rà này khiến chốt bị ùn ứ, dễ bị tác dụng ngược trong công tác phòng dịch”, một shipper cho biết. Các cán bộ trực tại nhiều chốt thừa nhận, việc khai báo còn lúng túng, mất thời gian, không đảm bảo quy định phòng dịch.
Do vậy, để chữa cháy, ở chốt số 95A Phan Đăng Lưu (phường 7, quận Phú Nhuận), lực lượng chức năng chuẩn bị sẵn tờ khai bằng giấy để người lớn tuổi, người không dùng điện thoại thông minh, không có 3G, 4G, có thể dễ khai báo. Tuy nhiên, nếu khai giấy thì chỉ qua chốt ngay thời điểm này, chứ không đi qua chốt khác được.
Tạm dừng khai báo ở nội thành CHÍ THẠCH |
Để giải quyết vấn đề này, các lực lượng liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân biết và chủ động khai báo trước khi qua các trạm kiểm soát, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM. Tình trạng ùn ứ tại các trạm kiểm soát, là do hệ thống phần mềm mới đi vào hoạt động, người dân chưa biết hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên chưa chủ động khai báo trước khi đi qua trạm kiểm soát. Việc này, lãnh đạo C06 thừa nhận công tác tuyên truyền chưa được tốt, dẫn đến tình trạng trên.
Trước băn khoăn của người dân về việc phần mềm của Bộ Công an sẽ đồng bộ, tích hợp như thế nào trong khi hiện tại vẫn đang có các hệ thống khai báo y tế khác song song như của Bộ Y tế, Bộ TT-TT, lãnh đạo C06 cho rằng, để thống nhất trong khai báo, 3 bộ (Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ TT-TT) đã ngồi lại với nhau và thống nhất các hệ thống khai báo sẽ dùng chung 1 mã QR. Cán bộ kỹ thuật sẽ bàn thêm để triển khai như thế nào, trên tinh thần nhanh nhất có thể.
Trao đổi thêm với phóng viên, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng C06, cho rằng, nếu người dân không khai báo trước khi đi qua trạm kiểm soát, ùn tắc là đương nhiên. “Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tuyên truyền để người dân quen với việc khai báo ở nhà trước khi đi làm. Nếu làm được điều đó, phần mềm sẽ phục vụ tốt cho việc truy vết, cảnh báo từ các vùng có dịch. Nếu vì triển khai phần mềm mà gây ùn tắc thì buộc phải tháo, nhưng khi đó mục tiêu không đạt được”, Thượng tá Tô Anh Dũng chia sẻ. Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng Phòng PC06, Công an TP Hà Nội, cho biết, trước mắt, đơn vị sẽ phối hợp với các trạm thu phí, trạm kiểm soát cửa ngõ thành phố để phát tờ phiếu hướng dẫn chi tiết việc khai báo y tế và khai trước khi qua các trạm kiểm soát theo mẫu của Bộ Công an để tránh ùn tắc giao thông, giảm nguy cơ tiếp xúc.