Được tạo ra bởi sức sáng tạo phi thường của “ông hoàng resort” Bill Bensley, Hotel de la Coupole – MGallery Sa Pa không chỉ là một khách sạn, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật hòa quyện giữa màu sắc sống động, họa tiết hoa văn của người dân tộc thiểu số Tây Bắc với vẻ đẹp kiến trúc Pháp những năm 1920-1930. Vẻ đẹp này đã khiến chàng phóng viên trẻ người Australia Zach Margolius dành nhiều lời khen trên The West Australian, một trong những nhật báo hàng đầu tại xứ sở Kangaroo.
“Đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác” chính là những gì mà Zach mô tả về Hotel de la Coupole – MGallery Sa Pa. Theo hành trình trải nghiệm của mình, Zach đã liên tục ngỡ ngàng trước mọi chi tiết quanh tác phẩm nghệ thuật “Tây Âu giữa lòng Tây Bắc” này. Điều khiến Hotel de la Coupole trở nên đặc biệt hơn trong mắt Zach Margolius là sự kết hợp độc đáo giữa vẻ đẹp phương Tây xa hoa và nét đặc trưng của văn hóa vùng cao Việt Nam trong từng chi tiết nhỏ nhất bên trong khách sạn.
Hotel de la Coupole có nghĩa là “khách sạn của những trần nhà”, vì vậy mỗi trần nhà tại tuyệt phẩm kiến trúc này đều được thiết kế rất độc đáo và tỉ mỉ. Ngay từ khi bước chân vào sảnh khách sạn, cấu trúc mái vòm, trần baroque sang trọng phổ biến trong các thiết kế lâu đài châu Âu cổ, được trang trí với những chiếc đèn chùm lấy cảm hứng từ những chiếc mũ đội đầu của người dân tộc Dao Đỏ đã khiến chàng phóng viên người Úc bất ngờ. Không chỉ vậy, mọi du khách khi đến Hotel de la Coupole còn được mời uống chocolate nóng – thức uống chào mừng mà Zach cho rằng “không một khách sạn nào tại Việt Nam giống vậy”.
“Khi chúng tôi dạo qua các hành lang, xuống thang máy, qua những khung cửa kính, từng chi tiết càng trở nên nổi bật hơn.”, Zach mô tả. Những cuộn sợi len màu sắc rực rỡ đặt trên kệ với những màu sắc khác nhau, và hầu hết được chiếu sáng để nhấn mạnh sự độc đáo. Bên trên là những hình bóng mỏng manh của các người mẫu trên sàn diễn đứng cao phía trên các khung vòm - nằm bên dưới những trần nhà thậm chí còn cao hơn - thêm một lớp quyến rũ và sự tinh nghịch.
Những vòm nhà Châu Âu cổ kính, kết hợp với hai gam màu chính: màu xanh cổ điển đậm chất Pháp và màu vàng được lấy cảm hứng từ cánh đồng lúa chín vàng – vẻ đẹp đặc trưng của vùng núi Tây Bắc – tất cả tạo nên một không gian sang trọng, thanh lịch nhưng không kém phần ấm cúng.
“Mọi thứ đều nằm hoàn hảo trong vị trí của nó, và không có gì làm giảm đi sự lộng lẫy và quyến rũ của khách sạn”, Zach viết. Chàng phóng viên như đang lạc bước vào kinh đô thời trang Paris – nhưng là một Paris rất thú vị khi xen lẫn các giá trị văn hóa của vùng núi cao Việt Nam. Những đôi bốt da được trưng bày như thể chúng là một phần của triển lãm trong bảo tàng Louvre. Với hàng ngàn bức vẽ thời trang, những chiếc rương cổ, suốt chỉ, ma-nơ-canh, những bộ váy lấp lánh, áo lông thú, các ngăn kéo cao ngất được lấp đầy bởi 500 cuộn chỉ khổng lồ, khiến phóng viên người Australia liên tưởng đến trung tâm thương mại sang trọng Galeries Lafayette ở Paris.
Hệ khung cửa sổ được rải đều trên bố cục của khách sạn nên tận dụng được nguồn ánh sáng tự nhiên giúp ngắm trọn núi rừng Tây Bắc và khu vườn của khách sạn từ nhiều vị trí khác nhau.
“Từ ban công phòng khách sạn, khung cảnh núi non trùng điệp và thị trấn nhỏ bé chìm trong mây khiến tôi như được ôm trọn trong sự kỳ diệu của đất trời”, Zach mô tả.
Tuy kiến trúc mang dáng dấp Tây Âu, nhưng những chi tiết đậm đà bản sắc dân tộc của núi rừng Tây Bắc vẫn không hề bị lấn át. Trái lại, nhờ những vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa dân tộc thiểu số như H’Mông và Dao Đỏ đã tạo nên một bức tranh tương phản thú vị với nét kiến trúc sang trọng của khách sạn.
"Nếu bịt mắt tôi và mở ra ở đây, tôi sẽ nghĩ mình đang lạc bước giữa mùa trượt tuyết tại dãy Alps hoặc là ở một câu lạc bộ đồng quê sang trọng tại Pháp", chàng phóng viên Australia cho rằng, với một số phòng có giá khởi điểm từ 200USD/đêm, viên ngọc quý của Sapa vừa gần gũi vừa ít tốn kém hơn so với các thị trấn nghỉ dưỡng trượt tuyết châu Âu. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó kém ấn tượng. Trái lại, mọi trải nghiệm giác quan của anh tại đây đều để lại những ấn tượng khó có thể so sánh được.
Nhà báo Australia kết luận rằng, vẻ đẹp này không chỉ là sự sang trọng mà còn thể hiện sự tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa, tạo nên một trải nghiệm vừa mới lạ, vừa đậm dấu ấn lịch sử. “Đây là điểm đến dành cho những ai yêu sự tinh tế, yêu vẻ đẹp của Đông Dương cổ kính và mong muốn hòa mình vào hơi thở văn hóa vùng cao Việt Nam,” Zach nhận định Hotel de la Coupole là điểm đến trong mơ và là trải nghiệm độc đáo cho mọi du khách.