Khách nội chưa mặn mà sử dụng xe buýt đi - đến sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 13-9, sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu đón tuyến xe buýt 109 hoạt động trở lại. Theo ghi nhận, khách sử dụng xe buýt đi và đến sân bay chủ yếu là người nước ngoài, khách trong nước chưa mặn mà.

3 tuyến xe buýt đi và đến sân bay

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, trung bình mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất có hơn 700 chuyến bay, với hơn 100.000 lượt khách. Từ ngày 13-9, có 3 tuyến xe buýt đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, gồm: 109 (sân bay Tân Sơn Nhất  - Bến xe khách Sài Gòn ), 152 (sân bay Tân Sơn Nhất - Khu dân cư Trung Sơn) và 721 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Vũng Tàu). Hai tuyến xe buýt 109 và 721 không có trợ giá, nên giá vé cao hơn tuyến 152. 

Để giúp hành khách thuận tiện khi đi xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất, trong nhà ga, các đơn vị vận hành xe buýt có lắp bảng chỉ dẫn, hướng khách đến điểm đón xe trên làn đường B. Cụ thể, từ ô B06 đến B09, xe buýt 152 và 721 xe đón khách; xe buýt 109 sẽ đón khách từ ô B17 đến B20. 

Tại ô xe buýt đón khách, đơn vị khai thác có bố trí nhân viên hướng dẫn. Hai tuyến xe buýt 109 và 152 có lộ trình gần giống nhau, xuất phát tại sân bay cùng một thời gian, cách 20 phút/chuyến, thấp điểm có khoảng 30 phút/chuyến.

Ghi nhận của PV Báo SGGP trong ngày 13-9, lượng hành khách sử dụng xe buýt để đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất rất ít. 9 giờ sáng, xe buýt tuyến 109 và 152 bắt đầu đón khách tại sân bay, tại ga quốc tế, chỉ có lác đác vài người nước ngoài lên xe về trung tâm TP. Ở chiều ngược lại từ trung tâm TPHCM vào sân bay Tân Sơn Nhất, trên các tuyến xe buýt, lượng khách có đông hơn, nhưng chủ yếu vẫn là khách du lịch nước ngoài.  

Bắt xe buýt từ sân bay về Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, sau khi được nhân viên tuyến xe buýt 109 tư vấn, chị Tô Thị Hoa chia sẻ: “Với lộ trình như trên, nếu đi taxi, tôi tốn đến 400.000 đồng, trong khi đi xe buýt chỉ mất khoảng 20.000 đồng. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ đi xe buýt phải nối tuyến, phải đón nhiều xe buýt khác nhau mới về đến nhà, rất mất thời gian. Tôi nghĩ, để người dân, hành khách ưu tiên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị vận hành các tuyến xe buýt cần phải tăng cường số lượng xe, thêm số tuyến hơn nữa”.  

Lỉnh kỉnh với 2 chiếc va li hành lý, anh Đào Viết Long (ngụ quận 12) thắc mắc: “Tại sao các hướng Củ Chi, Bình Chánh, TP Thủ Đức không có tuyến xe buýt vào sân bay. Nếu bắt xe buýt mà phải nối tuyến, vừa mất quá nhiều thời gian và sức khoẻ”.

Ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty FUTA Bus Lines, cho biết, sau khi hoạt động vài ngày, đơn vị sẽ có điều chỉnh để hoàn thiện hơn tuyến xe buýt số 109.

Cần thêm nhiều tiện ích


Một lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, sau khi các tuyến xe buýt vận hành, trung tâm sẽ xem xét điều chỉnh giờ giấc để phù hợp với giờ cất cánh và hạ cánh của máy bay, tránh tình trạng xuất phát cùng một khung giờ, hoặc lệch giờ của máy bay. Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, chia sẻ, đơn vị đang tính toán để có thêm nhiều tuyến xe buýt, kể cả các tuyến xe buýt đang chạy bên ngoài sẽ được vào đưa đón khách trong sân bay. Hiện sở đã đưa lộ trình của tuyến 103 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Bến xe Ngã tư Ga) và sẽ thêm xe buýt điện đi từ khu Vinhomes Grand Park đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo chuyên gia giao thông Phạm Xuân Mai, sân bay Tân Sơn Nhất cần có thêm nhiều tuyến xe buýt đi từ các quận, huyện và TP Thủ Đức. Tuy nhiên, muốn thu hút hành khách đi xe buýt phải cải tạo hệ thống hạ tầng xe buýt. Xe buýt phải có thiết kế riêng để hành lý, lối đi lên xe buýt phải là đường dốc thay vì bước lên 2 bậc thang như hiện nay nhằm thuận tiện cho hành khách đẩy hành lý lên xuống. Về lâu dài, sân bay phải có trạm trung chuyển đa phương thức bao gồm tất cả loại hình công cộng như xe buýt, bến xe, ga tàu lửa, metro… nối vào nhau. “Các cơ quan, doanh nghiệp cần tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên sử dụng xe buýt đi và đến sân bay, góp phần giảm tải giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng là việc làm cần thiết”, ông Phạm Xuân Mai đề xuất.

Tin cùng chuyên mục