Khách mời và độc giả hào hứng bàn về "Tật xấu người Việt"

Sau khi ra mắt độc giả tại Hà Nội, chiều 12-1, nhà văn Di Li đã vào TPHCM giới thiệu ấn phẩm Tật xấu người Việt (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn). Tham gia vào chương trình còn có đạo diễn Aaron Toronto, nhà văn Nguyễn Một và nhà báo Đỗ Hương.

Đến với Tật xấu người Việt của nhà văn Di Li, độc giả sẽ nhận thấy khía cạnh đó được khai thác một cách mới mẻ, hấp dẫn riêng biệt qua những câu chuyện kể chân thật, gần gũi với văn phong linh động, giản dị và dễ tiếp cận cho độc giả. Quyển sách như một tấm gương để người đọc soi lại mình và tự chiêm nghiệm, sửa đổi.

cac-dien-gia-ban-luan-chia-se-quan-diem-cau-chuyen-cua-minh-2073.jpg
Từ trái qua: đạo diễn Aaron Toronto, nhà báo Đỗ Hương, nhà văn Di Li và nhà văn Nguyễn Một. Ảnh: THANH TRÚC

Tật xấu người Việt gồm 48 bài viết, cũng là 48 “tật xấu” phổ biến của người Việt, được nhà văn Di Li quan sát, tìm hiểu và nghiên cứu song song với phẩm chất tốt đẹp của họ trong 15 năm. Trong đó, dưới góc nhìn của một công dân toàn cầu có trải nghiệm ở các nước khác trên thế giới, nhà văn cũng có sự so sánh nhất định khi tiếp xúc với người Việt và người dân ở quốc gia khác trên một số bình diện.

Từ đó, tác giả thẳng thắn nhưng khéo léo đưa ra dẫn chứng, số liệu và bày tỏ quan điểm của mình về những khiếm khuyết trong văn hóa ứng xử, giao tiếp và tâm lý của người Việt. Một số bài viết trong sách, như: Những người cả nể, Văn hóa phản biện, Xin đừng vô duyên, Trẻ con không có lỗi hay Bệnh thành tích

img-4863-393.jpg
Ấn phẩm "Tật xấu người Việt" của nhà văn Di Li. Ảnh: THANH TRÚC

Dân gian có thành ngữ “Tốt khoe xấu che” và đây dường như là tâm lý chung của nhiều người. Do đó, khi lựa chọn viết về những tật xấu ấy - đề tài khá nhạy cảm, tác giả đã dùng lối viết “rào trước đón sau”, tự phản biện quan điểm của chính mình, đưa mẩu chuyện thật thường thấy trong đời sống với bút pháp châm biếm, tự trào, hóm hỉnh. Điều này tạo cảm giác thoải mái cũng như để dành một khoảng không cho người đọc tự suy ngẫm.

Tại chương trình, nhà văn Di Li và khách mời đã có những chia sẻ chân thành xoay quanh chủ đề “Tật xấu và tính tốt người Việt”. Nhà báo Đỗ Hương dành lời khen ngợi cho tác phẩm và lối viết của tác giả Di Li. Chị chia sẻ: “Viết tật xấu người Việt nhưng không phải chê mà Di Li có văn phong thông tấn dữ liệu, dẫn chứng rõ ràng”. Ngoài ra, nhà báo Đỗ Hương còn nhắc đến các “tật xấu” khác như việc chen lấn vỉa hè trong giao thông, vứt rác bừa bãi.

img-4853-1752.jpg
Đạo diễn Ngô Quang Hải chia vui với nhà văn Di Li. Ảnh: THANH TRÚC

Bên cạnh đó, các diễn giả và độc giả còn cùng nhau tạo ra một diễn đàn bàn luận về các hiện tượng, những vấn đề liên quan đến mặt tốt và xấu trong tính cách, lối sống của người Việt. Trong đó, không chỉ liệt kê những tật xấu, nét đẹp của người Việt, hơn thế là sự bình luận sâu sắc, về cách mọi người nhận thức được sự sửa đổi là thiết thực. Đồng thời, một số tính cách, lề thói đã trở thành đặc trưng của dân tộc và chúng ta cần làm thế nào để bao dung, gìn giữ nó.

Nhà văn Di Li chia sẻ tại chương trình. Clip: THANH TRÚC

Có mặt tại chương trình, sau khi đọc Tật xấu người Việt, một độc giả tên Sơn cho rằng, từ góc độ là người nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, việc khắc họa, khái quát được các đặc tính riêng của người Việt hay nói cách khác là Việt Nam tính trong các tác phẩm nghệ thuật là một thách thức. “Điều này tương tự với việc các quốc gia khác đã phác họa được tính cách, nếp sống đặc trưng của người dân họ qua những sản phẩm của mình. Đồng thời, dưới ảnh hưởng của các tác phẩm nghệ thuật, đặc tính dân tộc Việt Nam sẽ phổ biến và được mọi người thừa nhận là một điều cần được hướng đến”, anh Sơn nói thêm.

Nhà văn Di Li được biết đến là một cây bút đa tài, với sức viết đáng nể khi cho ra mắt hàng chục đầu sách đủ thể loại, và đặc biệt thành công với các tiểu thuyết trinh thám. Sau Tật xấu người Việt, nhà văn Di Li đang hoàn thiện cuốn sách Tính tốt người Việt để ra mắt độc giả.

Tin cùng chuyên mục