Thêm nữa, quy định về việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với nhà ở, các công trình, tài sản gắn liền với nhà có hiệu lực từ giữa tháng 4 này (Nghị định 23/2018/NĐ-CP) cũng khiến cho bảo hiểm cháy nổ được quan tâm “nóng”.
Tuy vậy, mức phí bảo hiểm của từng công ty rất khác nhau, trị giá các gói bảo hiểm cũng khác nhau nên người tiêu dùng dễ bị rối. Chẳng hạn, có doanh nghiệp áp phí căn cứ trên giá trị căn hộ, nhưng cũng có doanh nghiệp “cào bằng”, chỉ tính trên thời gian sử dụng căn hộ (căn hộ càng cũ thì mức phí càng cao). Ví dụ, tại công ty bảo hiểm B., mức phí bảo hiểm sẽ được tính khoảng 0,08% x với giá trị căn hộ, gồm cả phần tài sản và vật chất trong ngôi nhà. Nếu căn hộ có giá 1 tỷ đồng, mức phí đóng hàng năm khoảng 800.000 đồng, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Ngược lại, đối với một công ty bảo hiểm khác, thuộc ngân hàng B., mức phí được tính trọn gói đã bao gồm thuế VAT và “cào bằng” đối với các căn hộ, không phân biệt diện tích, giá trị căn hộ…. Mức phí thấp nhất từ 100.000 - 360.000 đồng/năm. Thế nhưng, công ty này lại tách riêng phí bảo hiểm gồm phần vật chất và tài sản trong ngôi nhà, không gộp chung như công ty bảo hiểm B. nêu trên. Hạn mức bồi thường dao động từ 300 triệu đồng - 5 tỷ đồng đối với phần vật chất ngôi nhà và từ 100 triệu đồng - 1 tỷ đồng cho tài sản ngôi nhà.
Ghi nhanh từ một số công ty bảo hiểm, số lượng khách hàng quan tâm “nóng” đến các gói bảo hiểm cháy nổ chung cư gia tăng đáng kể, nhưng phần lớn mang tính chất nghe ngóng, đối chiếu phí bảo hiểm là chính. Ở góc độ người mua, một số người dân phản ánh, mức phí bảo hiểm không quá cao, phù hợp túi tiền khách hàng nên họ sẵn sàng mua để yên tâm, phòng ngừa rủi ro. Song song đó, các công ty cũng đang khuyến mãi các gói bảo hiểm mở rộng ngoài cháy nổ, như bị trộm cướp, vỡ hoặc tràn ống nước, thuê nhà sau tổn thất… với mức đóng gộp chỉ tăng thêm khoảng 100.000 đồng/gói, tùy công ty, nên khách hàng yên tâm mua.