Ngày 21-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngày 21-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) góp ý, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 18 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
ĐB cho biết, chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao, đất nông nghiệp được mua gom, đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có giá cao gấp chục lần.
ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam). Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo ĐB, vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội. Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân”, người dân đã hy sinh đóng góp, giao quyền sử dụng đất, tài sản của mình cho Nhà nước, cho nhà đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng, đô thị, đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị.
Chủ trương của Đảng là kiên quyết không để người dân bị đẩy ra ngoài lề sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất và bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại hội trường sáng 21-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, ĐB Trần Văn Khải cho rằng cần giải quyết tốt hai vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất.
Về nguyên tắc xác định giá đất, ĐB cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ.
ĐB Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.
Đồng thời, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến thông tin đầu vào để xác định giá đất, bổ sung các quy định nhằm số hóa đất đai đầu vào để thu thập dữ liệu về biến động thị trường.
Cùng với đó, cập nhật thường xuyên hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, hiệu quả, tin cậy về các giao dịch trên loại đất, thửa đất nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nói riêng trên phạm vi cả nước.
Góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật Đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất…
Cùng với đó, ĐB đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC |
Về việc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ĐB Thạch Phước Bình đề nghị tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm các đối tượng: các chủ thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở và tạo việc làm bên cạnh các đối tượng như người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số…
Cơ chế và chính sách tài chính đất đai khi thực hiện sẽ gắn kết chặt chẽ với các chính sách khác về đất đai như quy hoạch giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất gắn với hỗ trợ và bồi thường tái định cư.
Để chủ trương này đi vào thực tiễn, ĐB Thạch Phước Bình cho rằng, chính sách tài chính về đất đai cần phải đi đầu, cụ thể là làm sâu sắc và toàn diện hơn những chính sách tài chính có tính chất ưu đãi về đất đai thông qua công cụ thuế để khuyến khích các chủ thể huy động các nguồn lực và đầu tư chỗ ở và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) góp ý về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ĐB đề nghị bổ sung quy định chính sách hỗ trợ trường hợp hết tuổi lao động (nhưng vẫn trực tiếp sản xuất nông nghiệp) mà không có đất để bồi thường. Thực tế trường hợp trên khó tìm được việc làm mới, khó chuyển đổi nghề khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp.