Ngày 9-8, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi trình bày tại phiên họp, sau 5 năm triển khai Luật Đấu giá tài sản, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với số lượng hơn 1.200 đấu giá viên và gần 600 tổ chức đấu giá tài sản (trong đó có 58 trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Trình tự, thủ tục đấu giá thống nhất, chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản.
Tài sản đấu giá ngày càng được mở rộng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn. Từ tháng 7-2017 đến tháng 12-2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng, qua đó, góp phần tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn khó khăn. Đáng nói là tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp, trong khi cơ chế kiểm tra, kiểm soát còn vướng mắc, hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh sai phạm có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả.
Chính vì thế, dự án luật sửa đổi được xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Luật này cũng hướng đến hoàn thiện quy định về trình tự thủ tục đấu giá tài sản chặt chẽ, công khai minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá (nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của một số loại tài sản cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp với Luật Đấu giá tài sản); tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản giữa Nhà nước với tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên...