Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong những điểm sáng về công tác phát triển Đảng trong sinh viên. Với số lượng hơn 2.000 sinh viên, mỗi năm trường đều có 2 đợt mở lớp bồi dưỡng đoàn viên ưu tú, với khoảng 400 đoàn viên tham gia. Để được tham gia các lớp này, các em được bình xét tại chi đoàn rất chặt chẽ, phải có số phiếu tín nhiệm từ 2/3 trở lên. Sau đó, các em được hướng dẫn cụ thể về quy trình kết nạp đảng viên để biết những tiêu chí rõ ràng về kết quả học tập, rèn luyện, khen thưởng.
TS Nguyễn Văn Thỏa, Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, sinh viên muốn được kết nạp phải rất toàn diện, đạt học lực từ khá trở lên, không bị thi lại môn nào, tham gia hoạt động đoàn hội và được ghi nhận bằng sự khen thưởng của đoàn trường, hội sinh viên. Nhờ quy trình chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng, hầu hết các đảng viên sinh viên của trường đều phát huy tốt sau khi ra trường.
“Tại Trường ĐH Ngoại thương, đối tượng sinh viên được kết nạp vào Đảng chủ yếu là sinh viên năm 3, 4, là những đoàn viên có kết quả học tập nổi trội của khóa, ngành, là chủ tịch, phó chủ tịch các câu lạc bộ, lớp trưởng, bí thư và thành viên ưu tú của Đoàn trường, Hội sinh viên. Những sinh viên được kết nạp đảng viên đều khẳng định được vai trò tiên phong, gương mẫu, từ suy nghĩ đến ý thức và hành động đóng góp, cống hiến cho nhà trường và xã hội”, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết. |
Được coi là một môi trường đào tạo đặc thù, Trường ĐH Y Hà Nội cũng nổi tiếng nghiêm túc và chặt chẽ trong công tác phát triển Đảng. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, sinh viên trường Y cần nhiều thời gian cho công việc học tập hơn những trường khác. Vì vậy, vừa để có kết quả học tốt vừa thể hiện bản thân nổi trội trong công tác đoàn thể là việc rất khó. Các sinh viên trường Y cũng được xem xét kỹ hơn về quá trình phấn đấu bởi thời gian học kéo dài tới 6 năm.
Sau khi được cả tập thể sinh viên bình xét, đánh giá một cách khắt khe, những sinh viên ưu tú mới được chi đoàn giới thiệu vào Đảng, rồi bồi dưỡng và tiếp tục phấn đấu trong vòng từ 1-2 năm, thường là phải năm thứ 4, các sinh viên mới được kết nạp vào Đảng. Nhìn chung, các sinh viên là đảng viên đều là những người rất xuất sắc, rất toàn diện, thường giữ vai trò là cán bộ của lớp, luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, có ảnh hưởng tích cực đến tập thể.
Chúng tôi đã tìm gặp một số cựu sinh viên từng được kết nạp Đảng trong trường ĐH và một số đơn vị tuyển dụng để tìm hiểu các đảng viên được kết nạp trong trường thể hiện phẩm chất như thế nào khi ra trường. Minh Ngọc là cựu sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, hiện công tác tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), được kết nạp Đảng từ năm thứ 4 ĐH, sau đó chuyển đảng chính thức tại địa phương nơi cư trú.
Minh Ngọc cho biết: “Mác đảng viên được kết nạp khi còn là sinh viên không có ý nghĩa nhiều trong quá trình xin việc, bởi các cơ quan, doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển. Tôi cũng phải thi và chứng tỏ năng lực chuyên môn của mình như những thí sinh khác. Nhưng có lẽ nhờ học tập chăm chỉ, rèn luyện công tác đoàn thể nhiều nên tôi rất tự tin, kết quả thi của tôi cũng tốt hơn. Khi vào công tác, là một nhân viên mới, nhưng là đảng viên nên tôi được tham gia sinh hoạt chi bộ, được biết và được tham gia ý kiến với các hoạt động quan trọng của doanh nghiệp, đó là cơ hội để tôi hiểu và làm tốt hơn công việc được giao của mình”.
Về phía các cơ quan tuyển dụng, các bộ ngành đều bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận những sinh viên ưu tú được kết nạp Đảng từ trong trường, vì đó là những sinh viên đã được nhà trường thẩm định kỹ về phẩm chất và năng lực. Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, gần đây chỉ tuyển dụng được 1 công chức được kết nạp Đảng trong giai đoạn là sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc – Xây dựng Saint Petebua (Liên Bang Nga) vào vị trí chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá đây là một cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Bộ Xây dựng khẳng định luôn ưu tiên việc tuyển dụng cho các cán bộ trẻ đặc biệt được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho họ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tạo môi trường làm việc để phát huy hết năng lực; quy hoạch họ vào các vị trí cao hơn...
Ở ngành giáo dục, số lượng cán bộ, giáo viên được kết nạp Đảng từ sinh viên khá cao. Bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam cho biết, hiện ngành giáo dục Hà Nam đang có 29 cán bộ quản lý, giáo viên được kết nạp Đảng từ trong các trường ĐH. Tất cả số cán bộ, giáo viên này đều đang thể hiện tốt vai trò của mình, có chuyên môn vững vàng và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Trong đó, có 11 người đang là giáo viên dạy giỏi hoặc đang giữ trọng trách là cán bộ quản lý, từ tổ trưởng bộ môn đến hiệu trưởng, hiệu phó.
Bà Đinh Thị Lụa chia sẻ: “Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, rất cần có những giáo viên chuyên môn giỏi và ý thức tốt. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận những sinh viên giỏi, được kết nạp Đảng từ trong trường ĐH vì họ chắc chắn là những người ưu tú”. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam, vào Đảng không phải để làm ông nọ, bà kia, nhưng thực tế ở Hà Nam, những giáo viên, đảng viên trẻ, nếu dạy giỏi, thể hiện được năng lực tốt ở công tác chủ nhiệm, công tác đoàn thể thì sẽ được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, phân công giữ những trách nhiệm trong hệ thống. Ví dụ tổ trưởng bộ môn, làm giáo viên cốt cán của trường, của tỉnh, là nguồn cho các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó và cao hơn nữa.
Trường Đại học Tây Bắc có trụ sở đặt tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Tổng số sinh viên chính quy là 3.462, trong đó sinh viên là người dân tộc thiểu số có 2.134 sinh viên. Trường Đại học Tây Bắc là trường đại học duy nhất của khu vực Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức và người lao động; nghiên cứu khoa học; chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội – môi trường và hội nhập quốc tế của khu vực Tây Bắc. Do đó, trường luôn xác định công tác tạo nguồn phát triển đảng viên là một trong nhiệm vụ trọng tâm, nhất là phát triển đảng viên trong sinh viên dân tộc thiểu số. Các chi bộ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các nhân tố tích cực trong sinh viên, đặc biệt sinh viên là người dân tộc thiểu số có thành tích nổi bật về học tập và rèn luyện, đồng thời, bồi dưỡng, định hướng về lập trường chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong… cho các sinh viên, từ đó kết nạp cho các em. Đối với trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hàng năm Đảng ủy trường thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho trên 200 đoàn viên xuất sắc là đối tượng kết nạp đảng từ các đảng bộ bộ phận, chi bộ, đoàn thanh niên giới thiệu. Quá trình bồi dưỡng kết nạp Đảng viên tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một quá trình vô cùng quy củ và nghiêm túc. Tất cả những hoạt động ngoại khóa mà trường tổ chức luôn đặt sứ mệnh hàng đầu là nhằm bồi dưỡng cho Đảng một Đảng viên gương mẫu, ưu tú, là một Đảng viên xuất sắc toàn diện. Tính đến tháng 8-2019, toàn Đảng bộ Trường ĐH Bách khoa có 1181 đảng viên, trong đó có 268 đảng viên là sinh viên (chiếm 22,7%). Trong mỗi kỳ Đại hội Đảng cấp cơ sở, Đảng bộ đều đưa vào Nghị quyết Đại hội chỉ tiêu cụ thể về công tác phát triển đảng viên là sinh viên. Các liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc Đoàn trường đã triển khai cuộc vận động “Xây dựng tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh, đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam”. |