Khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ lợi ích riêng

Chiều 21-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên, một số tổ chức xã hội và các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hội nghị tập trung góp ý vào 12 nội dung, trong đó có vấn đề giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất cụ thể..

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị sửa luật cần quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đáng chú ý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, cần phải có quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các phương án sử dụng đất đã được duyệt. Nếu trong trường hợp chuyển đổi mục đích khác thì phải thu hồi đất, đấu thầu lại.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực ủng hộ phương án thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước, còn bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đất đai coi như đạo luật gốc trong quản lý nhà nước, giải quyết đúng chính sách pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, kiến tạo nên nguồn lực, mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị an toàn xã hội, phát triển bền vững môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và đặc biệt chính là tiền đề phát triển kinh tế xã hội.

Về vấn đề giá đất phải theo sát giá thị trường, Phó Thủ tướng cho rằng, cơ chế thị trường tức là khi bán, khi mua, đấu thầu, đấu giá thì làm thế nào để sát với giá thị trường. Vừa qua, điều này xảy ra rất nhiều bất cập, làm cho cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý không giải quyết được. Lần này, luật được sửa đổi theo cách là định nghĩa thế nào là giá thị trường, phương pháp nào xác định giá bình quân trong điều kiện ổn định, vấn đề kinh tế, tài chính định giá đất đai.

Về vấn đề thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hiện nay quan điểm được thể hiện trong dự án luật có nhiều tiến bộ, đó là sau quá trình thu hồi đất thì người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển. Sau khi tái định cư người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn, hưởng các quyền lợi.

Phó Thủ tướng mong muốn quá trình góp ý sẽ làm rõ hơn nội dung này vì đây là vấn đề khó, liên quan không chỉ kinh tế - xã hội, chuyển dịch lực lượng lao động, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, người dân phải di dời cũng như nhà đầu tư và doanh nghiệp…

Tin cùng chuyên mục