Chạy chen lấn giữa các làn
Ở các tuyến đường đã có dải phân cách tách riêng làn ô tô và xe máy, nhưng nhiều người đi xe máy vẫn chạy trong làn ô tô. Ở một số tuyến đường có hạn chế thời gian xe máy được lưu thông, nhưng nhiều người đi xe máy vẫn chạy vào bất kể giờ giấc. Ở các tuyến đường không có dải phân cách, nhiều ô tô chạy luôn trong làn xe máy và nhiều xe máy chạy chen trong làn ô tô, gây ra tình trạng rất nguy hiểm. Trên đường cao tốc, nhiều người lái ô tô vẫn tự tiện chạy vào làn dừng xe khẩn cấp (bên trong vạch kẻ liền màu trắng), vi phạm luật giao thông.
Trên địa bàn TPHCM, đường Phạm Văn Đồng (nhất là đoạn qua vòng xoay Nguyễn Kiệm đến nút giao với đường Linh Đông) hiện có một số bất ổn: xe máy chạy lấn sang làn ô tô rất phổ biến, nhất là trong giờ cho phép xe máy chạy một làn trong cùng bên phải (từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ).
Thậm chí trong giờ cao điểm, xe máy chạy tràn gần như hết các làn của ô tô, trong đó có trường hợp xe máy chạy với vận tốc còn lớn hơn vận tốc ô tô (tối đa cho phép là 80km/giờ). Có nhiều chỗ còn phân luồng chưa hợp lý, dẫn đến các phương tiện lưu thông cắt kéo lẫn nhau (đặc biệt là ở cầu vượt Bình Triệu), rất dễ xảy ra va chạm; có một số nút giao chưa để đèn tín hiệu hợp lý, chẳng hạn thiếu độ trễ để các luồng xe xen nhau không bị tắc ở giữa đường, hoặc lẽ ra phải có thêm nhiều tín hiệu để một dòng xe được lưu thông, thay vì 2 - 3 dòng cùng lưu thông; 2 làn xe máy (có dải phân cách) nhiều khi có sự tham gia của ô tô khiến mật độ lưu thông ở đây quá dày, dẫn đến tâm lý chạy ra làn đường ô tô; ở làn trong cùng bên phải, thường đọng nước sau mưa lớn nên nhiều xe máy chạy ở làn này phải tránh sang làn ô tô…
Như vậy, để bảo đảm an toàn giao thông ở tuyến này thì phải xem xét toàn bộ các yếu tố bất ổn, trong đó đáng chú ý nhất là việc phân tuyến chưa hợp lý và việc để xe máy chạy vào làn ô tô.
Tương tự với các tuyến khác, tình trạng chạy chen lấn giữa các làn cũng khá phức tạp. Như ở xa lộ Hà Nội, xa lộ Đại Hàn, trong giờ cao điểm, xe máy chạy chen giữa các xe tải, xe container rất nguy hiểm.
Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu Ban An toàn giao thông TPHCM chấn chỉnh tình trạng xe máy đi vào làn ô tô sau khi xảy ra một số vụ tai nạn do xe máy đi sai làn. Việc đi sai làn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cần khắc phục triệt để.
Các giải pháp khắc phục
Nhằm hạn chế việc chạy sai làn, cần chú ý phân luồng hợp lý để việc lưu thông được thuận tiện. Nên quan tâm khảo sát đánh giá tuyến đường đó có lưu lượng ô tô và xe máy như thế nào để phân các làn ô tô và xe máy phù hợp, có dải phân cách hay không, có hạn chế theo giờ hay không, số làn cụ thể cho từng loại xe như thế nào…
Với những tuyến chưa có sự phân làn hợp lý, nên cải tạo lại dải phân cách, phân làn tuyến và không cho lưu thông trộn. Đồng thời, hạn chế các chỗ lưu thông cắt kéo như hiện nay, bởi khi lưu thông giao cắt thì bắt buộc chạy vào làn của loại phương tiện khác.
Cần xử lý nghiêm các trường hợp lấn tuyến, sai làn, chuyển làn không bật tín hiệu…
Lâu nay, cảnh sát giao thông ít khi xử phạt hành vi điều khiển phương tiện chạy sai làn đường (như trên đường Phạm Văn Đồng, rất ít khi có lực lượng kiểm tra xe máy chạy vào làn ô tô trong khung giờ cho phép xe máy chạy làn trong cùng bên phải). Do đó, trong dịp tổng kiểm tra đang tiến hành hiện nay, cần quan tâm xử lý các trường hợp đi sai làn đường, kể cả ô tô hay xe máy, bởi ô tô vi phạm thì gây ùn tắc, xe máy vi phạm thì gây nguy hiểm của người tham gia giao thông…
Ngoài ra, nên cải tạo các tuyến đường để tránh tình trạng đọng nước, ổ gà hoặc các điểm gồ ghề do mặt cống nhô cao hay lõm xuống; chú ý lắp các biển báo ở nơi dễ nhìn và dễ nhận biết, tránh các biển khó hiểu hoặc gây hiểu nhầm… Bởi trong một số trường hợp, người tham gia giao thông (nhất là người đi xe máy) không cố ý đi sai làn nhưng vì phải tránh các vũng nước, các ổ gà… nên phải lấn sang làn khác, mà thường chuyển làn đột ngột, nên sẽ gây nguy hiểm. Ở những nơi đủ điều kiện thì nên tách riêng làn ô tô và xe máy để bảo đảm các phương tiện lưu thông an toàn hơn.