Bộ GD-ĐT đã nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, trong đó hàng đầu là triển khai thực hiện Kế hoạch số 59/KH-GS của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông; rà soát, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách đối với viên chức ngành giáo dục và thực hiện tự chủ đại học; ban hành và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 bảo đảm hiệu quả; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định SGK đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12; thẩm định, biên soạn SGK và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3, lớp 4 đối với 8 thứ tiếng.
Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học; nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
* Ngày 4-1, tại buổi họp sơ kết học kỳ 1 năm học 2022-2023 bậc học mầm non, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam đề nghị TP Thủ Đức và 21 quận huyện quan tâm duy trì chất lượng trường chuẩn quốc gia; động viên, khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận chuẩn quốc gia.
Trong học kỳ 2, các trường mầm non tăng cường đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, giám sát việc thực hiện chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh và tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong quản lý dinh dưỡng cho trẻ. Đối với việc triển khai thử nghiệm Chương trình Giáo dục mầm non mới, Vụ Giáo dục mầm non và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong việc tổ chức thực nghiệm tại 6 cơ sở giáo dục ở quận 7, 11 và huyện Cần Giờ.