Một số công nhân đang làm việc tại đây cho biết, công việc gia cố khắc phục đê bị sạt lở sẽ phải mất nhiều ngày mới hoàn thành được, vì tình trạng sạt lở khá lớn và phức tạp.
Ông Nguyễn Đức Dong, Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Lộc, cho biết, đây là đê kè biển xung yếu có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở do mưa lũ, huyện Lộc Hà đã nhanh chóng triển khai phương án sử dụng đổ 2.000m3 đá hộc đặt trong các lồng thép thi công gia cố rải theo chiều dài đoạn chân đê bị sạt lở khoảng 200m, trước mắt sẽ tạm thời ngăn nước biển xâm thực, ngăn sóng và triều cường phá đê sạt lở thêm. Dự kiến, quá trình triển khai khắc phục giai đoạn 1 sẽ kéo dài trong khoảng 1 tuần.
Tiếp đó, địa phương đề xuất huyện, tỉnh và ngành chức năng triển khai khắc phục giai đoạn 2, tiến hành xây dựng kiên cố chân đê đoạn sạt lở để đảm bảo an toàn cho thân đê và đời sống dân sinh bên trong đê... Tuyến đê kè biển chắn sóng qua địa bàn thôn Yên Điềm trực tiếp ảnh hưởng đến 530 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu của thôn. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến đất sản xuất, đất ở, tàu thuyền ra vào neo đậu tránh trú bão…
Trước đó, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nước biển dâng cao, sóng đánh mạnh, nước từ trên thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn, kết hợp nước sông Mỹ Dương (địa phương gọi là Lạch Kèn) chảy ra biển mạnh đã trực tiếp khiến khoảng 200m đoạn đê kè xung yếu chắn sóng ven biển ở thôn Yên Điềm bị sạt lở, sụt lún, khoét hàm ếch nghiêm trọng; nhiều mảng bê tông, đất đá bị đứt vỡ, sập xuống.
Ngay sau đợt mưa lũ kết thúc, cơ quan chức năng huyện Lộc Hà tổ chức kiểm tra thực tế tại hiện trường, bước đầu xác định, vị trí đê kè bị sạt lở nằm từ khoảng K59+700 đến K59+900 với tổng diện tích khoảng 1.400m2 (chiều dài khoảng 200m, chiều sâu từ 4 - 7m).
Sự cố làm cho chân đê kè và một phần mái kè bị sập hoàn toàn. Đây là sự cố nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng sâu vào thân và thậm chí có khả năng cắt đứt đoạn đê kè biển.