“Các nhà mạng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mở thêm dung lượng trên đất liền và chia sẻ dung lượng đi quốc tế với nhau để đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế”, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết.
Trước đó, 4 trong số 5 tuyến cáp quang biển đã bị sự cố cùng lúc. Trong 4 tuyến này, hai tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, còn hai tuyến IA và AAE-1 vẫn còn một phần đang hoạt động. Thời điểm hiện tại, còn tuyến SMW-3 đi Hong Kong và Singapore vẫn đảm bảo kết nối 100%; tuyến AAE-1 đi Singapore đảm bảo 100% và tuyến IA đi Hong Kong đảm bảo 100%. Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam phải đối mặt với việc ứng cứu khi số lượng tuyến cáp quang biển bị sự cố lớn nhất. Theo đại diện Cục Viễn thông, sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà cả các nước trong khu vực châu Á.
Cũng tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng cho biết, hiện nay Bộ TT-TT đang đẩy nhanh việc quy hoạch xây dựng thêm các tuyến cáp quang biển, đồng thời thúc đẩy nhanh thêm các tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam. “Nguyên tắc là trong bất kỳ phương án nào, dù có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bảo đảm giữ vị trí đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới. Dự kiến đến năm 2025, sau khi có thêm tuyến cáp quang biển mới, Việt Nam sẽ có khoảng 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế”, ông Thắng thông tin.