... phóng viên SGGP đã gặp Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM (thuộc Bộ Y tế), trao đổi xung quanh vấn đề đáng lo ngại này.
Bác sĩ NGUYỄN NGỌC QUANG: Hiện cả nước có 7 đơn vị đủ điều kiện giám định pháp y tâm thần là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) và 5 trung tâm thuộc Bộ Y tế gồm: Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2015 về quy trình giám định pháp y tâm thần, có nhiều hình thức giám định như giám định nội trú; giám định tại phòng khám; giám định tại chỗ; giám định trên hồ sơ (giám định vắng mặt); giám định bổ sung; giám định lại; giám định lại lần thứ 2. Quy trình giám định pháp y tâm thần theo yêu cầu của cơ quan điều tra thường áp dụng hình thức giám định nội trú, thời gian từ 2 - 4 tuần.
Quy trình giám định tâm thần có kẽ hở nào khiến tội phạm có thể lợi dụng tính nhân văn của chính sách để thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật?
Để có kết luận xác đáng về tình trạng của đối tượng thì phải tuân thủ đúng các bước. Khi tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, ngoài việc có sơ yếu lý lịch của đối tượng có dán hình và dấu mộc của cơ quan điều tra, còn phải có kèm theo các giấy tờ khác như đơn yêu cầu giám định, quyết định khởi tố, biên bản ghi lời khai, tiểu sử bệnh của đối tượng và xác minh đối tượng ở địa phương; tiếp nhận lưu giữ đối tượng giám định tại trung tâm; phân công kíp trực giám định; nghiên cứu hồ sơ; lập hội đồng theo dõi đối tượng giám định từ 2 - 4 tuần cùng với sự tham gia của cơ quan công an, phải có camera giám sát để theo dõi hành vi hàng ngày và ghi vào sổ theo dõi; thăm khám lâm sàng; thăm khám cận lâm sàng đối tượng giám định bằng các thiết bị như cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, kiểm tra tâm lý, điện não đồ, điện tâm đồ…; tổng hợp tài liệu liên quan và thống nhất để đưa ra kết luận giám định về năng lực, hành vi của đối tượng.
Trong quá trình nhận hồ sơ thường có những tài liệu kèm theo như toa thuốc, hồ sơ bệnh án cũ, sổ khám bệnh… thì phải xem xét, xác minh kỹ những tài liệu ấy là thật hay giả. Chung quy lại, hồ sơ cũ ban đầu chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng hiện nay nhiều trung tâm giám định có luôn khoa khám và điều trị bệnh nên không tránh khỏi chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nhiều người thường lợi dụng chỗ này để chạy chọt bệnh án, do đó vấn đề y đức của các y bác sĩ trong hội đồng giám định phải được đặt lên hàng đầu.
Có những vụ án đang trong quá trình điều tra nhưng đối tượng gây án giả bị bệnh tâm thần và yêu cầu được đi giám định, hoặc điều trị bắt buộc để chạy tội. Thưa bác sĩ, có cách gì để phòng ngừa tiêu cực trong khâu giám định pháp y tâm thần?
Giám định tâm thần là thủ tục để Nhà nước trợ cấp xã hội cho những người bị khiếm khuyết về thần kinh, trí não. Kết quả giám định tâm thần cũng chỉ là tài liệu tham khảo cung cấp cho cơ quan điều tra trong quá trình xử lý vụ án. Tuy nhiên, pháp luật có quy định không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt đối với người bị tâm thần (tùy mức độ bệnh). Lợi dụng sự nhân đạo này, nhiều đối tượng cộm cán đã móc nối để làm giả hồ sơ giám định tâm thần trước hoặc sau khi gây án, hòng thoát tội. Cũng có những đối tượng đứng đằng sau giật dây người bị tâm thần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tội phạm có rất nhiều chiêu thức, vì vậy, từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu đến trung tâm giám định pháp y tâm thần phải làm việc nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ với nhau. Thành viên hội đồng giám định phải là người làm chuyên môn khoa tâm thần, có kinh nghiệm, được Bộ Y tế cấp phép, có chuyên môn cận lâm sàng, phải có lập trường vững vàng bởi nếu không có tâm, bị chi phối bởi đồng tiền thì rất dễ dẫn đến tiêu cực trong việc kết luận giám định bệnh. Các cơ quan điều tra cũng phải làm việc minh bạch, không tư lợi, tránh tình trạng biến không thành có mà để người xấu ung dung ngoài vòng pháp luật.