Trả lời về vấn đề này, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, thống kê trong quá trình khai thác cho thấy, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trung bình đạt khoảng 6.000 xe/ngày đêm. Trong đó, xe tải chiếm 51,1% (xe tải nặng chiếm 32,5%). Tỷ lệ này lớn hơn nhiều so với các tuyến đường cao tốc khác của VEC, chỉ từ 10%-20%.
Việc xe tải nặng lưu thông thường xuyên đã ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường, gây hằn lún vệt bánh xe. Trung tâm Khai thác vận hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã rà soát, thống kê các vị trí hư hỏng trên tuyến và khắc phục tại những vị trí khẩn cấp. Đến nay, đã có 13 vị trí được xử lý xong. Các vị trí còn lại đang tiếp tục được rà soát, khắc phục trong thời gian tới.
Theo VEC, việc xử lý hư hỏng trên tuyến chưa thể thực hiện triệt để, do một số nhà thầu xây lắp có liên quan đang trong quá trình xét xử của tòa án trong vụ án liên quan đến sai phạm trong đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cuối tháng 6 vừa qua, sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án, VEC và các nhà thầu đã xác định được trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan, làm cơ sở pháp lý để VEC xây dựng kế hoạch khắc phục hư hỏng mặt đường trong giai đoạn trước.
Theo kế hoạch bảo trì năm 2024, VEC đã bố trí cho công tác sửa chữa đột xuất đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 31,2 tỷ đồng. Đối với một số vị trí bong bật, hằn lún ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, VEC đã chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm huy động thiết bị, nhân lực khắc phục xong toàn bộ trước ngày 30-9.
VEC đang nỗ lực đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà thầu để triển khai gói thầu sửa chữa mặt đường với giá trị 15 tỷ đồng. Thời gian thực bắt đầu từ tháng 10-2024 và dự kiến hoàn thành trong tháng 11-2024.
Đồng thời, để kiểm soát tình trạng xe quá tải đi vào tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, VEC đã triển khai kế hoạch bố trí hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe tại các điểm vào đường cao tốc, dự kiến đưa vào vận hành trong quý 1-2025.