Khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ: Tái thiết và phục hồi sản xuất nông nghiệp

Cơn bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp và đời sống người dân miền Bắc. Việc khôi phục sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống cho người nông dân hiện đang là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu.

Nỗ lực khắc phục thiên tai

Tại tỉnh Tuyên Quang, lũ đã rút dần nhưng nhiều cánh đồng vẫn còn ngập bùn đất và hoa màu bị tàn phá. Hơn 20.200 ngôi nhà bị hư hỏng, 5.400ha lúa và 3.400ha bắp bị thiệt hại, cùng với gần 1.000ha cây ăn trái đang trong tình trạng thất thu.

S1a.jpg
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) hướng dẫn nông dân phục hồi lúa sau bão lũ

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, tổng thiệt hại lên tới hơn 1.300 tỷ đồng. Để khắc phục, Sở NN-PTNT tỉnh đã triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân như bồi lấp đất, điều chỉnh mực nước, dọn sạch cỏ rác và phun thuốc phòng trừ bệnh. Nông dân đang gấp rút vệ sinh đồng ruộng và gieo trồng lại cây bị gãy, chết. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Tỉnh Thái Bình dù không nằm trong tâm bão cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, cánh đồng Cửa Chùa bị ngập khiến khoảng 30% diện tích lúa của gia đình ông Vũ Tiến Thẩm mất trắng. Mưa lớn đã làm ngập hàng ngàn hécta lúa mùa tại các huyện Tiền Hải và Quỳnh Phụ, thiệt hại 20-70% tùy khu vực.

Ông Đỗ Tiến Công, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Phụ, cho biết, huyện đang tích cực hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại và điều chỉnh phương án sản xuất. Tại TP Hải Phòng, thành phố đã cắt giảm các nhiệm vụ không cấp thiết để ưu tiên cho công tác khắc phục và phục hồi sản xuất. Sở Xây dựng đang triển khai các thủ tục sửa chữa khẩn cấp, trong khi Sở LĐTB-XH chăm lo đời sống cho người lao động bị ảnh hưởng.

Thành ủy TP Hải Phòng đã chỉ đạo nghiên cứu giải pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tăng vốn ủy thác để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ dân vay vốn với lãi suất thấp, đồng thời xem xét các biện pháp khoanh nợ, gia hạn nợ cho những người bị thiệt hại nặng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT HOÀNG TRUNG:

Phải biết nông dân cần gì để hỗ trợ

Thiệt hại sau bão số 3 rất nặng nề, cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần xác định rõ người dân cần gì, chứ không phải chúng ta có gì là đem ủng hộ cho bà con thứ đó.

Bộ NN-PTNT cũng đang phối hợp với các địa phương để tìm hiểu rõ nhu cầu thực tế của từng địa phương, nhu cầu của bà con. Nếu là giống thì bà con cần loại giống gì, loại vật tư gì…

Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT sẽ lập danh sách để các doanh nghiệp có thể phân bổ tận nơi với mục tiêu tiền, hàng sẽ đến được tay người dân thiết thực và hiệu quả nhất.

Bộ NN-PTNT cũng đã giao Cục Trồng trọt thống kê đầy đủ, ghi nhận, tri ân những đóng góp của các doanh nghiệp, sau đó lên kế hoạch cụ thể đến từng địa phương, cân đối theo nhu cầu của từng địa phương để mời doanh nghiệp cùng đại diện Bộ NN-PTNT đi trao hỗ trợ từng địa phương.

Giải pháp phục hồi sản xuất và hỗ trợ

Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các địa phương vừa trải qua bão lũ như Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định đang chạy đua khắc phục thiên tai và phục hồi sản xuất. Tại Tuyên Quang, sau lũ, cán bộ đã hướng dẫn nông dân khôi phục cây trồng bằng cách bồi lấp, điều chỉnh mực nước và dọn cỏ rác. Đối với rau màu, cần khơi rãnh để nước thoát nhanh.

“Chúng tôi hướng dẫn nông dân thu dọn và trồng lại bằng giống mới”, ông Nguyễn Đại Thành cho biết. Tại Thái Bình, nông dân được hướng dẫn phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch bệnh. Phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Phụ đang rà soát thiệt hại và cung cấp giống mới cùng vật tư cần thiết để hỗ trợ nông dân.

S3b.jpg
Sinh viên tình nguyện hỗ trợ người dân phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) gặt lúa chạy lũ sau bão số 3

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các tỉnh bị thiên tai ở phía Bắc để đánh giá thiệt hại và chỉ đạo các giải pháp phục hồi sản xuất. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cải tạo đồng ruộng, vườn đồi, xử lý đất, nước và cơ sở hạ tầng, đồng thời chuẩn bị cây giống và con giống để tái tạo sản xuất.

Ông cũng yêu cầu các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang sớm tổng hợp nhu cầu để kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ kịp thời, bao gồm cả chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Bộ NN-PTNT cam kết hỗ trợ các địa phương để người nông dân sớm ổn định sản xuất và khôi phục nguồn thu nhập.

Nông dân cần giống và vật tư

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến ngày 18-9, bão số 3 đã gây ảnh hưởng khoảng 312.000ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích lúa là 200.000ha, rau màu là 51.000ha, các cây trồng khác là 61.000ha.

Trước tình hình thiệt hại này, việc chuẩn bị vật tư nông nghiệp và giống cây trồng (đặc biệt là lúa giống) để đảm bảo kịp thời mùa vụ, phục hồi sản xuất... là cấp thiết. Vì vậy, ngày 18-9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đã chủ trì hội nghị phục hồi trồng trọt, tái sản xuất nông nghiệp sau bão lũ.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, để đảm bảo kịp thời vụ cho vụ đông xuân 2024-2025, nhu cầu cấp thiết của các địa phương gồm: 15.000 tấn lúa giống, 112 tấn hạt giống rau và 980 tấn hạt giống bắp. Hiện tại, kho dự trữ quốc gia có hơn 4.100 tấn lúa giống, 250kg hạt giống rau và hơn 257 tấn hạt giống bắp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu.

Tại hội nghị này, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội đã đóng góp, hỗ trợ nông dân tại các địa phương đang bị thiệt hại nặng do mưa bão lũ, đồng thời cam kết hỗ trợ tối đa để nông dân nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho rằng, việc hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ là rất quan trọng. Tập đoàn này sẽ cung cấp 30 tấn giống bắp và 20 tấn giống lúa (tương đương 3 tỷ đồng) cho bà con thông qua Bộ NN-PTNT.

“Chúng tôi cam kết không tăng giá giống để người dân yên tâm sản xuất”, ông Báo nói. Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cũng cam kết hỗ trợ 3 tỷ đồng bằng vật tư, trong đó 1 tỷ đồng là chi phí phân bón, phần còn lại là giống bắp và giống lúa. Các sản phẩm sẽ được chuyển trực tiếp đến các địa phương theo danh sách của Bộ NN-PTNT.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã dành 3 tỷ đồng hỗ trợ qua giống cây trồng. Công ty CP Việt Nam cam kết hỗ trợ giống bắp và 1,2 tỷ đồng tiền mặt cho nông dân ở Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.

Trong khi đại diện Công ty Bayer Việt Nam, ông Nguyễn Trường Vương, cho biết: “Bayer Việt Nam sẽ hỗ trợ 20 tấn giống bắp (tương đương 2,4 tỷ đồng) cho các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Phú Thọ”.

Tin cùng chuyên mục