Thiệt hại nặng nề
Tranh thủ mưa tạnh, nhiều bà con trong Hội phụ nữ phường Hàng Gai (ở quận Hoàn Kiếm) ra quét dọn những cành cây bị bão vật gãy nằm ngổn ngang trên phố. Chỉ tay vào cây đa cổ thụ cạnh đình Cổ Vũ trên phố Hàng Gai bị gió bão quật đứt một nhánh khá lớn, bà Nguyễn Thị Thành (72 tuổi, ở phố Hàng Gai) cho biết, hơn 50 năm sống ở con phố này nhưng chưa bao giờ người dân chứng kiến cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như vậy. Không chỉ mưa lớn mà gió quật, gió rít suốt cả đêm khiến mọi người đều lo sợ.
Cùng chung tâm trạng bàng hoàng và tiếc nuối khi nhiều cây cổ thụ bị gió bão quật đổ, ông Lê Xuân Tuấn (69 tuổi, ở phố Cầu Gỗ) cho biết, lâu nay cây xanh ở xung quanh hồ Gươm đều được chăm sóc, bảo vệ, chằng chống rất cận thận nhưng chỉ một đêm mưa bão mà hàng loạt cây cổ thụ bị quật đổ.
Qua ghi nhận trên rất nhiều đường phố của Hà Nội, từ nội thành ra tới các huyện ngoại thành, đâu đâu cũng có cây xanh bị đổ, chắn ngang đường gây cản trở giao thông. Nhiều pano quảng cáo, bảng hiệu, bảng chỉ dẫn tên phố, cột đèn giao thông, cột điện bị gió bão làm hư hỏng...
Thống kê của UBND TP Hà Nội, tính đến chiều 8-9, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho Hà Nội với 2 người tử vong và 7 người bị thương do cây xanh gãy, đổ đè trúng. Đặc biệt, gió bão đã làm 14.660 cây xanh bị đổ và cành gãy; 54 ô tô bị hư hỏng do cây đổ; 274 hộ dân và công trình khác bị tốc mái nhà lợp tôn và rất nhiều cột điện bị đổ. Tại các huyện ngoại thành, mưa bão, gió lớn làm hơn 13.750 ha lúa và gần 490 ha rau màu bị đổ, cùng hàng trăm ha cây trồng bị ngập.
Trách nhiệm cao nhất
Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, ngay khi mưa ngớt, gió lặng, từ đêm 7-9 và cả ngày 8-9, Hà Nội đã huy động tổng lực các lực lượng tập trung cao độ để khắc phục hậu quả mưa bão, sớm ổn định đời sống nhân dân. Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Oai.
Đồng thời, Bí thư Hà Nội chỉ đạo 30/30 bí thư quận, huyện, thị ủy yêu cầu tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.
“Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải sớm khắc phục hậu quả mưa bão, bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì nhân dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và cán bộ lãnh đạo của TP Hà Nội cũng đã kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại các địa phương của Hà Nội.
Kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa bão, cây đổ ở phố Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng (ở quận Hoàn Kiếm), Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ, bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề cho thành phố, yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện và nhân dân tập trung khắc phục hậu quả, ưu tiên số hàng đầu là nhanh chóng khôi phục giao thông.
“Trong ngày 8-9, phải khôi phục hệ thống giao thông để thứ Hai người dân đi làm, sinh hoạt bình thường”, ông Trần Sỹ Thanh lưu ý. Ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cảnh báo ngày 8 tới 10-9, trên sông Bùi, sông Tích xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1,5-2,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Bùi, sông Tích ở mức báo động 2 đến báo động 3. Lũ lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông, đe dọa đến an toàn của các tuyến đê thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất.