Dự kiến Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 khi thông tin thì dư luận chỉ quan tâm đến con số đề xuất là 350.000 tỷ đồng mà chưa quan tâm thấu đáo đến ý nghĩa của chương trình, lộ trình triển khai, đầu tư.
Nghị quyết số 88/2014/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 28-11-2014 nêu rõ một chương trình nhiều sách giáo khoa nhưng từ khi thông qua đến nay, những tranh luận về sự cần thiết vẫn diễn ra, còn việc thực hiện vẫn còn quá nhiều băn khoăn… Những ví dụ điển hình nêu trên có điểm chung là việc truyền thông còn hạn chế cả trước, trong hay sau khi các chủ trương, chính sách được ban hành.
Tất cả chính sách trước khi ban hành đều trải qua một quy trình xây dựng chặt chẽ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với thời gian kéo dài, thậm chí mất hàng năm, gồm những bước đi như: xây dựng nội dung; đánh giá tác động; hội thảo, tọa đàm; lấy ý kiến đối tượng chịu tác động; thẩm tra… Vấn đề đặt ra là tại sao thông tin về chủ trương chính sách khi được thông qua lại chưa “thấm” đến đối tượng chịu tác động, để rồi đến khi triển khai, dư luận lại “dậy sóng”, tranh luận lại từ đầu.
Tại một cuộc họp mới đây của lãnh đạo các cơ quan báo chí, một phó chủ tịch UBND tỉnh đã đến giải thích về chủ trương đầu tư dự án của tỉnh trước đó bị báo chí phản ánh là không đúng. Báo cáo phản hồi được phân tích một cách cặn kẽ, chi tiết với đầy đủ các căn cứ pháp lý. Thế nhưng, sau khi giải thích, vị lãnh đạo địa phương lại đề nghị các báo... chưa đưa thông tin đó thời điểm này, chờ các thông tin chính thức sau. Điều đó đã tạo nên khá nhiều ngạc nhiên cho những người dự họp. Tình huống như vậy lại không phải là cá biệt với những ai quan sát việc cung cấp thông tin, truyền thông chính sách nhiều năm qua.
Hồi tháng 3-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông; xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các báo và phương tiện truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm… Kinh phí cho việc truyền thông chính sách cũng được ngân sách bố trí để thực hiện.
Tầm quan trọng của việc truyền thông để tạo sự đồng thuận trong ban hành, thực thi chính sách là rất lớn và phải “đi trước một bước”. Thế nhưng, nhiều chính sách đã ban hành mà vẫn chưa thông suốt với người dân và doanh nghiệp, qua đó cho thấy, công tác truyền thông cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn mà trước hết là tư duy của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt là đối với những vấn đề dư luận quan tâm, cần phải lấy ý kiến rộng rãi thì càng cần phải chú trọng truyền thông chính sách nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động. Nghĩa là quá trình xây dựng chính sách phải song hành với truyền thông chứ không phải đợi đến khi ban hành mới thông tin.
Sự công khai, minh bạch, chủ động trong truyền thông mới có thể tạo sự đồng thuận khi triển khai, thực hiện, hạn chế những “điểm nóng” không đáng có và dễ dẫn đến bị lợi dụng, xuyên tạc.