Khắc phục căn bệnh sợ trách nhiệm

Chậm giải ngân gói hỗ trợ người lao động thuê nhà và 2% lãi suất đang trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây. Bởi lẽ, đây là những gói hỗ trợ rất quan trọng, được doanh nghiệp, người dân chờ đợi để phục hồi sản xuất - kinh doanh và giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn.

Theo kế hoạch, ngân sách dành 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay 2% trong năm 2022, 2023. Ngành ngân hàng đã đăng ký nguồn hỗ trợ từ ngân sách hơn 16.000 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương 800.000 tỷ đồng và gần 24.000 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương 1,2 triệu tỷ đồng để giảm lãi suất 2% cho khách vay. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, đến nay doanh số cho vay mới gần 4.100 tỷ đồng - tương đương 0,5% kế hoạch dự kiến năm 2022. Nguyên nhân được chỉ ra là: khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất khi khách hàng hoạt động sản xuất - kinh doanh đa ngành; nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ; NHTM có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai trước đây vẫn chưa được quyết toán…

Với gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, số tiền giải ngân đến nay mới gần 1.100 tỷ đồng, đạt hơn 16% so với dự kiến. Nguyên nhân được lãnh đạo Bộ LĐTB-XH chỉ ra là: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; chậm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện…

Ngày 11-1, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực. Ngày 30-1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Sau đó là hàng loạt hội nghị triển khai, văn bản đốc thúc từ Chính phủ, các bộ ngành, song tiến độ triển khai 2 gói hỗ trợ này vẫn rất chậm, làm giảm đi ý nghĩ của mục tiêu hỗ trợ.

Bên cạnh những vướng mắc trong hướng dẫn thực hiện đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung quy định, còn có những nguyên nhân chủ quan mà ẩn chứa trong đó là những lo ngại về trách nhiệm, rủi ro có thể xảy đến trong triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định một cách cứng nhắc, xét ở một góc độ nào đó không phải không có lý, bởi cơ quan có trách nhiệm khi kiểm tra, thanh tra nhiều khi áp thẳng băng quy định, hiểu quy định theo câu chữ thay vì nhìn hoàn cảnh, điều kiện thực tế và lợi ích chung. Do đó, nếu dám nghĩ, dám quyết vì lợi ích chung có thể sẽ gặp rủi ro là không làm theo quy định.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ, qua khảo sát thực tế, trao đổi chân tình với nhiều lãnh đạo, công chức có liên quan ở địa phương thì nhận thấy nổi lên hiện tượng phổ biến là: họ tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật theo câu chữ, thay vì theo nội dung và tinh thần của điều luật trong giải quyết thủ tục hành chính hay giải quyết khó khăn, vướng mắc. Việc tuân thủ này phải đạt mức gần như tuyệt đối, tức là tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định pháp luật có liên quan. Cách làm đó giúp họ cảm thấy được an toàn hơn cho bản thân.

Thời điểm này (khi mà nhiều cơ chế, chính sách quan trọng phải vận hành trên thực tế), bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, minh bạch hơn thì rất cần có các quy định pháp luật khuyến khích, động viên những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung nhằm thực hiện được mục tiêu và khát vọng phát triển cũng như chữa căn bệnh sợ trách nhiệm, chỉ lo an toàn cho bản thân đang khá phổ biến hiện nay.

Tin cùng chuyên mục