Cần minh bạch điện kế
Theo kết quả kiểm tra của EVN, hơn 3,1 triệu khách hàng trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (11,92%) có mức tiêu thụ điện tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4, trong số này có gần 1 triệu khách hàng tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng tăng trên 300%. EVN cho biết, hóa đơn tiền điện tháng 6 còn tăng cao hơn, do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài nên nhiều khách hàng sử dụng điện tăng cao. Nguyên nhân tiền điện tăng do nắng nóng mà EVN đưa ra chưa thuyết phục, thời tiết nắng nóng kéo dài là có thật, người dân sử dụng điện nhiều hơn, hóa đơn tiền điện có thể tăng, nhưng có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% là hết sức bất thường.
Cần kiểm tra làm rõ sự thiếu minh bạch trong việc tính tiền theo điện kế. Mặc dù trước khi lắp đặt, điện kế đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định, tuy nhiên trên thực tế, việc quản lý, sử dụng điện kế của ngành điện còn bất ổn. Trong thế độc quyền, ngành điện đang ôm trọn điện kế từ sản xuất đến lắp đặt, sửa chữa và thay thế. Các đơn vị ngoài ngành điện chưa có mặt trong vòng tròn khép kín này. Vì thế, nếu khách hàng nghi ngờ về độ chính xác của điện kế thì chỉ có thể khiếu nại với công ty điện lực, mà cũng không có cách nào kiểm chứng.
Điện là một loại hàng hóa thiết yếu, mang tính đặc thù. Khách hàng có thể thắc mắc, phàn nàn nhưng không thể từ chối sử dụng điện. Chính vì thế, để tránh nghi ngờ cũng như tạo sự minh bạch giữa bên bán hàng là EVN và khách hàng là hàng triệu người dân và doanh nghiệp, EVN cần sớm minh bạch chiếc điện kế, nên tạo cơ chế để các doanh nghiệp ngoài ngành tham gia sản xuất, cung cấp điện kế. Tạo cơ chế để khách hàng có thể kiểm tra, đối chứng điện kế khi có nghi ngờ. Khi việc quản lý, sử dụng điện kế được minh bạch thì người dân an tâm, còn ngành điện tránh được tiếng xấu.
NGUYỄN HIỀN (quận Thủ Đức, TPHCM)
Lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng
Những vụ ghi nhầm chỉ số điện dẫn đến việc tăng cao tiền điện, khách hàng dễ dàng phát hiện do tiền điện tăng đột biến. Câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu trường hợp sai sót nhưng không thể phát hiện? Vấn đề từ câu chuyện này không chỉ là việc sửa sai, xin lỗi, đình chỉ cán bộ mà còn phải làm sao lấy lại được niềm tin từ người tiêu dùng, khi họ đã mất niềm tin từ lâu bởi sự thiếu công khai, minh bạch.
Để chấm dứt tình trạng này, EVN cần phải có quy chế, quy định rõ ràng về việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan khi gây ra sai sót, tăng mạnh mức xử phạt, nhất là vai trò của người đứng đầu. Về mặt kỹ thuật, cần có những giải pháp về công nghệ để người sử dụng điện được dễ dàng tham gia giám sát lượng điện tiêu thụ, kịp thời phản ánh hiện tượng điện kế nhảy số bất thường.
Để có thể đảm bảo tính minh bạch, chính xác, tránh gây ra sự nghi ngờ cho khách hàng thì nên tách toàn bộ các hoạt động kiểm định điện kế ra khỏi đơn vị cung cấp điện. Trong thực tế, người ta có thể dễ dàng vượt qua quy định này bằng cách thành lập công ty con, gọi là công ty thí nghiệm điện; đến khi có tranh chấp với khách hàng và cần kiểm định lại thì việc kiểm định điện kế vẫn được thực hiện bởi các đơn vị thuộc đơn vị điện lực, trước khi đưa ra các đơn vị kiểm định bên ngoài. Việc các công ty con của ngành điện làm chức năng kiểm định điện kế là không nên, dễ khiến dư luận nghi ngờ về tính độc lập, khách quan.
TƯƠNG QUAN (quận 7, TPHCM)