Vụ băng nhóm trộm xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TPHCM) bị nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình phát hiện ngăn chặn, đã chống trả đâm chết 2 người và làm trọng thương 3 người, gây chấn động dư luận vì hành vi của bọn tội phạm quá manh động và tàn nhẫn.
Từ vụ trọng án này, dư luận đang quan tâm phân tích nhiều chiều, nhất là góp ý nâng hiệu quả đấu tranh chống tội phạm. Từ hôm nay, Báo SGGP mở diễn đàn Khắc phục bất cập trong cuộc chiến chống tội phạm để người dân cùng phản ánh, góp ý.
Ngành công an cần bỏ ngay “tư duy địa bàn”
Một người đi đường tên H.P. cho biết, khi chứng kiến cảnh đánh đuổi nhau trên đường phố, cảnh kẻ cướp đâm “hiệp sĩ” ngã gục, anh chạy cách đó khoảng vài chục mét và thấy có mấy anh công an đang ngồi. Mừng quá anh liền tri hô: “Anh ơi, ra cứu người”, nhưng các anh công an này tỏ ra dửng dưng, vẫn ngồi yên và bảo: “Khác phường em ơi, muốn gì thì báo với phường bên đó”. Anh H.P. thảng thốt: “Người dân gặp nạn, không có võ, không vũ khí, gặp nạn gọi anh mà anh còn bảo khác phường, sao anh vô tâm vậy?”. Giải thích về chuyện công an từ chối can thiệp cứu người, sáng 14-5, Công an phường 10 quận 3 cho hay đó là điểm giải tỏa mặt bằng của TP nên Công an quận 3 cử cán bộ công an quận và tổ dân phố đến canh giữ. Do không thể tự tiện rời bỏ mục tiêu nên cán bộ công an quận hướng dẫn người dân đến trụ sở Công an phường 10 trình báo.
Thực hư như thế nào, lực lượng thanh tra công an và cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ. Nhưng có một thực tế mà không ít người dân vẫn than phiền là tình trạng “tư duy địa bàn” vẫn tồn tại. Chỉ cách một con đường Nguyễn Thị Minh Khai, bên này là phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), còn bên kia là phường 5 (quận 3). Người ta không khỏi ngạc nhiên khi bên này đuổi đẩy những người bày bán hàng rong, thì họ chỉ cần chạy sang bên kia đường là lực lượng đẩy đuổi bó tay đứng nhìn, vì không phải địa bàn mình quản lý. Có người cũng chẳng buồn chạy, cứ máng ghế, bàn… ngay hàng rào dải phân cách giữa đường là xong. Nhiều chiếc cầu nằm trên ranh giới giữa 2 quận thường bị biến thành điểm đổ rác, nhiều người kém ý thức cứ đổ rác ngay giữa cầu vì chẳng lo ai phạt vạ. Nói như vậy không có ý cho rằng nơi nào cũng thế, cũng có các quận, phường ký liên tịch với các quận, phường bạn để phối hợp quản lý địa bàn giáp ranh, nên tình trạng hàng rong, cướp giật, hút chích… không dễ có cơ tồn tại. Tiếc rằng ở nhiều nơi việc liên kết phối hợp như vậy chưa thật hiệu quả, nếu có thì chỉ hình thức.
Thực ra, cái ranh địa bàn chỉ là ranh hành chính. Cái tâm để cứu người thì không ranh giới. Thế nên, làm công an mà nghe dân báo đang có trọng án thì không thể điềm nhiên.
NGUYỄN VŨ THU HƯƠNG
(quận Bình Thạnh, TPHCM)
(quận Bình Thạnh, TPHCM)
Trang bị kỹ năng, nghiệp vụ chống tội phạm
Nhiều năm qua, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc phòng chống tội phạm. Từ Công an TPHCM cho đến các cơ quan nghiệp vụ, công an phường, xã, thị trấn đều có đường dây nóng tố giác tội phạm. Cảnh sát khu vực ở các phường - xã tại TPHCM còn đến tận nhà cung cấp số điện thoại di động để người dân gọi khi cần sự hỗ trợ kịp thời của công an. Vậy mà trong vụ băng nhóm trộm xe tấn công sát hại các thành viên trong nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình thì trụ sở cơ quan Công an phường 10 (quận 3) rất gần hiện trường, nhưng đã không nhanh nhạy can thiệp. Lúc đó chỉ mới 20 giờ, rất nhiều người đi đường chứng kiến sự việc nhưng thông báo đến Cảnh sát 113 cũng không nhận được sự ứng cứu kịp thời. Bọn tội phạm gây trọng án vẫn có thể ung dung tẩu thoát giữa dòng xe cộ đông đúc. Do vậy, qua vụ trọng án này cho thấy kỹ năng, nghiệp vụ chống tội phạm và các biện pháp ứng phó của ngành công an vẫn còn hạn chế. Hoạt động tuần tra và phản ứng nhanh chưa thật hiệu quả.
Và cũng qua vụ trọng án này cho thấy các nhóm “hiệp sĩ” tham gia chống tội phạm vẫn còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ chống tội phạm, thể hiện qua việc chủ động theo dõi kẻ âm mưu trộm xe nhưng để bị bất ngờ khi không phát hiện chúng có người cảnh giới. Do vậy, hoạt động nhóm “hiệp sĩ” tham gia chống tội phạm là tổ chức quần chúng mang tính tự nguyện rất cần được tổ chức, quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ, tạo điều kiện để các hiệp sĩ có điều kiện đối phó với bọn cướp hung hãn trên đường phố, bảo vệ được tài sản của người dân, và bảo vệ được an toàn tính mạng cho mình, chứ không phải ra tay nghĩa hiệp một cách liều mạng.
HOÀNG PHƯƠNG
(quận 3, TPHCM)
(quận 3, TPHCM)
Công bằng hơn cho các “hiệp sĩ”
Đây không phải là lần đầu tiên các “Lục Vân Tiên giữa đời thường” hy sinh tính mạng mình vì sự bình yên của cộng đồng. Họ hành động hào hiệp, hoàn toàn tự nguyện, không được hưởng một khoản lương hay chế độ chính sách gì và cũng không được phong tặng liệt sĩ nếu hy sinh trong lúc quả cảm truy bắt tội phạm. Trong khi bọn côn đồ, trộm cướp ngày càng táo tợn, hung hăng hơn, những “hiệp sĩ” vẫn rất đơn độc đối đầu với hiểm nguy và luôn chịu nhiều thiệt thòi. Các “hiệp sĩ” thời nay bắt cướp, cứu người, nhưng chỉ có tay không. Họ chỉ là người chạy xe ôm, phu khuân vác, chú công nhân, anh sinh viên, tự nguyện làm nhiệm vụ với cái tâm trong sáng là góp phần mang lại sự bình yên cho mọi người.
Thiết nghĩ, các “hiệp sĩ” là các cộng tác viên của công an, là những nhân tố tích cực trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, do vậy, về mặt pháp lý cần có những quy đinh cụ thể cho hoạt động của họ và có sự hỗ trợ về tổ chức, huấn luyện, đưa hoạt động vào nề nếp, căn cơ, hiệu quả. Dư luận đã quan tâm góp ý về việc thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với các “hiệp sĩ”, nhưng đến nay vẫn chưa có những tín hiệu lạc quan. Bao giờ các hiệp sĩ có được những quyền lợi chính đáng mà họ xứng đáng được hưởng? Đó là lẽ công bằng trong một xã hội mà tình hình tội phạm còn đang diễn biến phức tạp. Nên có chính sách thật rõ ràng, cụ thể cho các “hiệp sĩ” để họ an tâm làm việc nghĩa hiệp, và để gia đình họ đỡ đau lòng khi hàng ngày canh cánh nỗi lo âu dõi theo người thân mình đang thầm lặng tham gia đấu tranh với cái xấu, cái ác.
TRƯƠNG THANH LIÊM (Liên hiệp Các hội văn học- nghệ thuật TP Cần Thơ)