Đã có một so sánh: Nail (làm móng) là một nghề sinh ra để dành cho người Việt tại Mỹ, một nghề mưu sinh và nuôi sống bao thế hệ người Việt tha hương tại xứ sở cờ hoa này. Với sự cần mẫn và khát vọng thoát nghèo cùng với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo tuyệt vời, người Việt đã đưa nghề nail từ công đoạn cắt, dũa, chăm sóc móng đơn thuần thành nghệ thuật làm đẹp móng điêu luyện và điệu nghệ.
Nhưng nghề nail lại là nghề rất dễ bị tổn thương, và những người thợ được ví như những nghệ nhân tạo nên những bộ móng nghệ thuật cũng là những người lao động dễ gặp nhiều rủi ro nhất.
Sống ở Mỹ vài năm, ai cũng thuộc nằm lòng câu sấm: phải là người thật giàu (để tự bay lên) hoặc thật nghèo (để hưởng an sinh xã hội). Còn làng nhàng kiểu làm nail hay chủ nail là mệt. Khác với những ngành nghề khác, nhất là làm hãng, người lao động được công ty lo bảo hiểm và được trợ cấp thất nghiệp nếu lỡ không có việc làm.
Còn người làm nail thì khác. Họ vẫn phải đóng thuế nhưng thu nhập thường tùy thuộc vào mùa nên khả năng lúc huy hoàng (mùa hè) khi vụt tắt (mùa ế khách) cũng là "chuyện thường ngày" ở Mỹ.
Đại dịch ập đến, với những người làm nail được coi là nghề tay làm hàm nhai - có nghĩa có làm thì có ăn - thật sự đã làm đảo lộn tất cả. Do tính chất công việc và đối tượng khách hàng thường tiếp xúc trực tiếp, nên ngay lập tức tiệm phải đóng cửa.
Dù chính phủ Mỹ phá lệ có chính sách hỗ trợ thất nghiệp trong đợt đại dịch, nhưng số tiền cho 11 tuần và sau đó là nhỏ giọt với những tiểu bang vẫn còn đóng cửa, trở nên quá nhỏ nhoi so với mức sinh hoạt của mỗi gia đình. Thậm chí, chính trị bất ổn tạo nên làn sóng biểu tình, đập phá ở các trung tâm thành phố, khiến nghề nail vốn đã bất ổn lại càng mong manh hơn.
Anh Aaron Le, chủ tiệm Nail Five Star, một trong những tiệm thuộc loại có “số má” trong giới làm nail ở tiểu bang Illinois nói chung và vùng Glendale Heights nói riêng, đã chia sẻ về sự đảo lộn của nghề nail trong đại dịch với không ít trăn trở.
Còn khá trẻ nhưng có tay nghề khá giỏi bởi nhiều năm lăn lóc trong nghề, anh và cộng sự của mình - chị Christine Nguyen - chịu khó tiếp cận những xu thế marketing tiên tiến để thay đổi phong cách phục vụ, chú trọng chăm sóc khách hàng nên chỉ trong thời gian ngắn, tiệm của anh chị có chỗ đứng trong vùng. Nhưng đại dịch ập đến tiệm phải đóng cửa 3 tháng.
Khi được mở cửa lại, lượng khách giảm, thợ đi làm cũng ít bởi quy định về số lượng người trong tiệm nên thu nhập chỉ đủ... đóng tiền thuê mặt bằng.
10 năm trước, chị Khánh Chi là thợ giỏi có thương hiệu trong giới làm nail ở thành phố Chicago. Sau thời gian chắt chiu, 2 vợ chồng anh chị tích lũy được chút vốn và quyết định đứng ra mua tiệm để làm chủ. Đã đầu tư phải làm cho tới, tiệm của anh chị được mở ngay trung tâm, nơi có lượng khách ổn định là nhân viên các trung tâm thương mại.
Đặc biệt nguồn khách vãng lai từ những người du lịch đã tạo nên nguồn thu nhập khiến bạn bè cùng thời ngưỡng mộ. Đại dịch tràn tới, nếu các tiệm vùng ngoại ô còn thoi thóp bởi số lượng người nhiễm Covid-19 cao, tiệm của chị ngay lập tức bị đóng cửa. 3 tháng như ngồi trên lửa khi tiền thuê mặt bằng gần 10.000USD/tháng.
Chưa kịp vui khi tháng 6 Chicago cho mở cửa lại nhưng dịch vẫn tràn lan, nguồn khách chính đều làm việc online ở nhà. Chưa hết, các cuộc biểu tình của phong trào Black lives matter liên miên, giao thông tắc nghẽn, bất an dâng tràn. Mở cửa nhưng không có thu. Số tiền trợ cấp 10.000USD của chính phủ như muối bỏ bể. Cầm cự được đến tháng 12, chị phải đóng cửa và tuyên bố phá sản.
Khi nghề nail phát triển cũng đồng nghĩa với việc các trung tâm cung ứng vật tư thiết bị (supply) phát triển theo. Nhưng những ngày cuối năm đến các trung tâm này mới thấy đìu hiu. Anh Kha, chủ một supply, cười như mếu khi cho biết anh phải chọn giải pháp đặt hàng trên mạng và thuê người giao hàng cho các tiệm nail để cầm cự qua ngày. Ngày xưa tấp nập dập dìu, giờ trống vắng buồn tênh.
Nuối tiếc về một thời huy hoàng nay còn đâu là chuyện nhỏ, mà cảm nhận về sự đảo lộn trong tương lai làm người ta se lòng. Đã có những dự báo về việc nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi rất nhanh sau đại dịch, nhất là khi đã có vaccine. Nhưng đó là chuyện của tương lai.
Còn với phần lớn người Việt, đặc biệt là những người làm nghề nail dù sẽ nhận được gói cứu trợ lần 2 của chính phủ nhưng tương lai vẫn mang gam màu xám.
Đại dịch đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt, nhất là việc làm đẹp và cả thói quen tiếp cận khiến người ta e ngại nhau hơn. Đặc biệt là sự leo thang về giá. Những loại sản phẩm thiết yếu trong nghề như ancohol, aceton, bông gòn, bao tay đều tăng lên gấp 2, gấp 3, cá biệt có mặt hàng tăng lên gần gấp 10 lần (bao tay chẳng hạn). Lượng khách đã không nhiều, tăng giá có nhiều khả năng mất khách nhưng không tăng chắc chắn... sập tiệm.