Ngày 3-8, chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu về chương trình tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao, tại Hà Nội, Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh: “Đêm nhạc Đàn chim Việt vượt qua chương trình nghệ thuật thông thường, mà là một sự kiện nghệ thuật để người hâm mộ, người dân tưởng nhớ về chân dung một người nghệ sĩ tài hoa ở nhiều lĩnh vực như văn chương, nghệ thuật. Tài năng sáng tác của Văn Cao cũng như thành tựu nghệ thuật của ông, đặc biệt trong đó là bài hát Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam đã làm giàu có thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc”.
Hội Nhạc sĩ phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao |
Chương trình Đàn chim Việt tập hợp của những tác phẩm được biết đến của Văn Cao ở cả ba thể loại: Tình ca, hành khúc và trường ca như Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Tiến quân ca… Nét đặc biệt của chương trình là màn tái hiện sân khấu hóa bằng âm nhạc bài hát Tiến quân ca trước Quảng trường 19-8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội).
Theo Tổng đạo diễn chương trình Phạm Hoàng Nam, với tất cả tâm huyết của mình, ê - kíp thực hiện chương trình sẽ cố gắng mang đến một đêm nghệ thuật chất lượng, giàu sự sáng tạo và đúng với tinh thần nghệ thuật của Văn Cao nhất. Những bản phối mới, nhiều thủ pháp nghệ thuật hiện đại, quy mô sự kiện diễn ra cả trong và ngoài Nhà hát Lớn với những màn trình diễn của hơn 300 diễn viên sẽ khiến Đàn chim Việt thực sự là một sự kiện nghệ thuật điểm nhấn trong tháng 8 lịch sử và chào đón ngày Tết Độc lập 2-9.
Chương trình có sự tham dự của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, ca sĩ Đăng Dương, THanh Lam, Ánh Tuyết, Mỹ Linh... |
Sinh ngày 15-11 tại Hải Phòng, Văn Cao - người chiến sĩ của đội Danh dự Việt minh khi ấy mới tròn 22 tuổi. Người trước đó chỉ được biết đến bởi những bài tình ca, nổi danh trong nền Tân nhạc Việt Nam ở cuối những năm 1930, là người tài hoa với thi, nhạc lãng mạn - đã làm giàu cho gia tài âm nhạc của đời mình bằng hùng ca và hoàn thành bức chân dung nghệ sĩ của đời mình bằng tài năng không giới hạn ở thể loại.
Chương trình mong muốn tái hiện chân dung của nhạc sĩ Văn Cao bằng âm nhạc |
Cũng trong những ngày tháng Tám ấy có một giờ khắc đi vào lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam: Ngày 18-8-1945, ấy là lúc bài hát Tiến quân ca lần đầu tiên vang lên trước biển người rộng lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội và được biết đến là Quốc ca của nước Việt Nam. Quốc ca cho một dân tộc đang trong cuộc cách mạng để thay đổi số phận mình và Văn Cao là tác giả của bản Quốc ca ấy.
Từ những ngày tháng tám ấy, tên tuổi của nhạc sĩ Văn Cao gắn liền với lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam và lịch sử của dân tộc Việt Nam như một tài năng lớn, đầy phẩm cấp. Sự hiện diện của ông đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam đã mang lại không chỉ những tác phẩm đáng giá mà nhân cách của ông cũng là tài sản của một thế hệ những người yêu nước, đầy lý tưởng, và lớn hơn cả là một lòng với Độc lập của dân tộc.
Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996).