Khắc chế béo phì đúng cách

Thế giới hiện có 2,1 tỷ người bị thừa cân, béo phì. Để giảm gánh nặng về sức khỏe và tâm lý, mục tiêu giảm cân là cần thiết; tuy nhiên, cần lựa chọn cho bản thân biện pháp phù hợp và lâu dài.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật nội soi để giảm cân cho một bệnh nhân béo phì
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật nội soi để giảm cân cho một bệnh nhân béo phì

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận khám, điều trị bệnh lý thừa cân, béo phì cho nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp rất trẻ nhưng đã cân nặng 80-90kg. Không ít người đã thực hiện nhiều chế độ ăn kiêng, luyện tập nhưng không thể giảm cân hoặc chỉ giảm chút ít rồi tăng cân trở lại.

Đưa con trai mới lên 8 tuổi nhưng cân nặng gần 60kg tới khám, chị N.T.V. (ở Việt Trì, Phú Thọ) không khỏi lo lắng khi cháu bé gặp nhiều khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày. Chị V. cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, cân nặng của con trai liên tục tăng, có thể do thời gian dịch bệnh kéo dài vừa qua, cháu thường xuyên ở nhà xem tivi, máy tính và dùng nhiều đồ ăn nhanh, uống nước ngọt có ga.

Theo bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không chỉ trẻ nhỏ bị thừa cân, béo phì do chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động mà rất nhiều thanh niên cũng bị béo phì quá mức. Đây là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây nhiều tác động đến tâm lý, đặc biệt đối với phụ nữ, khiến người bệnh dễ mặc cảm. Hơn nữa, béo phì còn gây ra nhiều nguy cơ như: bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh. Thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ tử vong so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường.

Nghiên cứu mới đây về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 15%, ở thành thị cao gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%). Đặc biệt, tỷ lệ người thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TPHCM chiếm 18% của toàn quốc. Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường (5-19 tuổi) tăng từ 8,5% vào năm 2010 lên 19% vào năm 2020; trong đó khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Để giảm nguy cơ béo phì, trước tiên phải dựa vào chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp. Ngoài ra, trong một số trường hợp được coi là bệnh lý thì phải can thiệp điều trị. GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, 2 phương pháp điều trị đang được sử dụng phổ biến nhất là: phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày và phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống. Đến nay, tại bệnh viện đã có khoảng 300 trường hợp thừa cân, béo phì được điều trị bằng 1 trong 2 phương pháp trên nhằm ngăn cản việc ăn và số lượng thức ăn thu nạp vào cơ thể. Đa số các trường hợp đến bệnh viện để phẫu thuật đều không thể kiểm soát được tình trạng béo phì bằng cách thay đổi lối sống và không đáp ứng với các phương pháp trị liệu khác.

Ưu điểm của các phương pháp phẫu thuật trên là giúp người bệnh ngoài việc giảm cân còn giải quyết được các bệnh chuyển hóa đi kèm. Do phẫu thuật nội soi nên vết mổ rất nhỏ, không gây chảy máu, tránh được nguy cơ nhiễm trùng so với mổ mở. Thời gian nằm viện đối với các ca phẫu thuật ngắn, bệnh nhân nhanh phục hồi và 3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể ra viện. Sau 1 tuần phẫu thuật, bệnh nhân giảm khoảng 5kg, có thể đi lại, ăn uống bình thường.

Tuy nhiên, GS-TS Trần Bình Giang nhấn mạnh, phẫu thuật chỉ là một phần trong cả quá trình điều trị béo phì. Phẫu thuật béo phì muốn thành công đòi hỏi bệnh nhân cần có chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh hàng ngày.

Trẻ dư cân, béo phì dễ sốc sốt xuất huyết

Ngày 25-11, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM) cho biết vừa cấp cứu bé trai 13 tuổi, nặng 55kg bị sốc sốt xuất huyết nặng. Bệnh nhi được bệnh viện tại tỉnh Bình Thuận chuyển đến trong tình trạng mạch khó bắt, huyết áp khó đo, khó thở, sốc sốt xuất huyết.


Sau khi áp dụng nhiều phương pháp điều trị nhưng bệnh nhi vẫn tiếp tục đi tiêu phân đen, các bác sĩ thực hiện nội soi đường tiêu hóa, ghi nhận xuất huyết dạ dày, máu rỉ thành dòng nên tiến hành cầm máu các ổ loét, hỗ trợ hô hấp thở máy, truyền thuốc... Sau gần một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, thông thường trẻ dư cân, béo phì dễ sốc sốt xuất huyết hơn so với trẻ có cân nặng bình thường, tiên lượng nặng nên phải nhập viện điều trị sớm. Nhóm trẻ này dễ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến nhiều biến chứng nặng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận... Ngoài ra, trẻ béo phì khó có thể lấy ven, các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức khác cũng khó thực hiện hơn.


MINH NAM

Tin cùng chuyên mục