Khác biệt không phải là định kiến

Lựa chọn khác với những thói quen truyền thống trong 3 ngày tết trở thành chủ đề quan tâm của nhiều bạn trẻ, bởi không ít người trẻ muốn khác biệt nhưng lại sợ những chỉ trích xung quanh.

Nhiều năm trước, cuối năm là câu chuyện giữ hay bỏ tết cổ truyền được nhiều người tranh luận, nhưng nhịp sống xã hội hiện đại, có những công việc đặc thù phải làm xuyên tết… Người ta vẫn sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ tết theo lịch trình cá nhân, mùa xuân vẫn cứ đến theo một lẽ tự nhiên.

Trong hành trình trưởng thành, lập nghiệp của mình, không ít bạn trẻ hiện đại mang áp lực vô hình khi bản thân còn chưa ổn định với công việc, né tránh những câu hỏi thăm về lương thưởng, lập gia đình vào dịp tết. Điều này, vô tình khiến một thế hệ trở nên xa cách, không mấy thân thiện khi ngại chia sẻ chuyện cá nhân… Và một bộ phận bạn trẻ chọn tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi cho bản thân, chuyện trở về nhà, hay bữa cơm gia đình có thể trước hoặc sau tết.

Lên lịch trình đi du lịch Thái Lan vào dịp tết, Nguyễn Hồng Phương Trang (25 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Để đưa ra quyết định này tôi cũng thuyết phục ba mẹ nhiều lắm, vì năm nào gia đình cũng quây quần ăn bữa cơm đầu năm mới. Đi làm cả năm đủ áp lực và mệt mỏi, hơn nữa tôi vốn sống cùng ba mẹ nên chuyện bữa cơm nhà có thể bất cứ lúc nào, dịp tết này tôi muốn dành cho bản thân sự nghỉ ngơi hoàn toàn”.

Làm công việc của một nhân viên thiết kế tự do, Tiến Dũng (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) có thể thoải mái thời gian nghỉ tết, nhưng với Dũng, tết là lúc làm việc. “Tôi không ngại những câu hỏi cưới vợ, tiền lương, nhưng việc đó cứ lặp đi lặp lại hoài rất chán. Tết tôi cũng về nhà quây quần bên gia đình, phụ mọi người dọn dẹp, thắp hương ông bà và sau đó tôi lên lại phòng trọ khoảng mùng 2 hoặc mùng 3 Tết. Lúc mọi người còn đi chơi, về quê thì mình làm việc cũng có cái thú vị và nhiều ý tưởng khá là hay”, Tiến Dũng chia sẻ.

Sự thay đổi của nhịp sống xã hội, “định nghĩa” tết trong mỗi thế hệ cũng khác biệt nhau và thế hệ gen Z - lớp người gắn liền với sự phát triển của khoa học - công nghệ, ưu tiên phát triển và định vị bản thân trở thành lựa chọn hàng đầu. Từ đó, mà khác biệt trong ngày tết có lẽ như một chuyện thường tình, bởi giá trị văn hóa tốt đẹp vẫn sẽ ở đó và không thay đổi, bằng chứng là dẫu bao nhiêu tranh luận, thì tết cổ truyền của dân tộc luôn là tháng ngày mong đợi. Và lựa chọn khác biệt của người trẻ trong ngày tết cũng là lẽ thường tình của xã hội, khác biệt không có đúng cũng không có sai, càng không phải là định kiến... nó chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân.

Tin cùng chuyên mục