Thực ra, tạo sự khác biệt và thích sự khác biệt là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Người trẻ gen Z muốn tạo ra sự khác biệt là điều cần được cổ vũ. Có những bạn trẻ thế hệ này đã bắt đầu làm chủ bằng tư duy mới, cách làm khoa học, áp dụng những điều mà họ học hỏi được từ môi trường học thuật, từ óc quan sát quanh mình, từ khát khao được làm giàu và phát triển bản thân một cách chính đáng.
Nhưng khác biệt khác với khác thường. Một đồng nghiệp với chúng tôi có con thuộc thế hệ này kể, mỗi lần nói con làm việc gì hay nhắc nhở, tâm sự cùng con, cậu bé luôn trả lời: “Uki ba, uki mẹ”. Mỗi lần như vậy, anh chị thường nhắc nhở con: “Dạ ba, dạ mẹ, chứ…”. Cậu bé lặp lại như cái máy… nhưng lần sau lại như cũ, không có gì thay đổi.
Một bạn khác, những lần trong nhóm chat giao công việc, cấp dưới nhỏ tuổi hơn của mình chỉ “lạnh lùng” nhấn thả tim, chẳng buồn trả lời một câu, chẳng rõ có làm theo hay không, phiền lòng: “Bộ trả lời một tiếng cũng khó vậy sao? Đó là nền tảng giáo dục hay là sự khác biệt mà các bạn trẻ hay nói tới”. Lại có những bạn nhân viên trẻ, trả lời sếp mình, người thân mình trống không, chẳng chủ ngữ vị ngữ… Chính những bạn trẻ đó luôn muốn được tôn trọng, luôn muốn được trả công xứng đáng với lời nói và cách thể hiện của mình, nhưng họ lại không học được cách phải biết tôn trọng người xung quanh.
Phải chăng ta khắt khe với gen Z? Nhiều bạn trẻ nói rằng, hãy tôn trọng họ, tôn trọng sự khác biệt mà họ tạo ra. Nhưng cũng không ít bạn trẻ trong số đó, lầm tưởng về khái niệm khác biệt. Sự khác biệt phải được tạo ra và tạo nên từ giá trị. Khác biệt không phải khác thường, rồi khoác áo khác biệt. Sự khác biệt phải bắt nguồn từ nền tảng giáo dục và tri thức mới tạo nên được giá trị. Mà giá trị là thứ xa xỉ trong xã hội hiện tại, đến rồi đi bất chợt, nếu không biết giữ và nắm bắt.
Bởi vậy, muốn người khác tôn trọng sự khác biệt của mình thì gen Z hãy học cách tạo ra giá trị và tôn trọng người khác.