Xu hướng độc thân
Khái niệm “DINK” (Dual Income, No Kids - Thu nhập nhân đôi, không có con cái) được nhiều bạn trẻ hiện đại theo đuổi. Các nhóm chia sẻ và tâm sự trên mạng xã hội cũng thu hút bạn trẻ quan tâm đến cụm từ này như một “triết lý” cho riêng mình trong nhịp sống hiện đại.
Nhóm “Chuyện tụi mình” có hơn 3.000 tài khoản mạng xã hội tham gia, chủ đề độc thân và không sinh con được nhiều thành viên chia sẻ qua các bài viết, với đủ bình luận đồng ý lẫn phản đối. Có ý kiến thẳng thắn bày tỏ rằng, việc phụ nữ lựa chọn sống độc thân và không sinh con chính là lối sống ích kỷ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng đó là câu chuyện tự do cá nhân và chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn.
Gần 30 tuổi, hai lần nhảy việc và hiện tại hài lòng với những dự án làm tự do, chị Phan Thị Minh Thư (28 tuổi, nhân viên thiết kế nội thất, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể: “Mỗi dịp lễ, tết, họp mặt cùng gia đình là nghe “bài ca” hối lấy chồng. Lúc đầu tôi thấy hơi khó chịu, nhưng bây giờ chỉ cười và thoải mái thôi. Tôi cũng giải thích với ba mẹ rằng, tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại và chưa sẵn sàng để bước vào đời sống hôn nhân”.
Không phải lời giải thích nào cũng được gia đình chấp nhận và thấu hiểu như trường hợp của chị Minh Thư. Mối tình từ năm thứ 2 đại học đến hiện tại vẫn tốt đẹp, nhưng hỏi về chuyện đám cưới và sinh con, Trần Thanh Tuấn (24 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 8, TPHCM) bày tỏ: “Chúng tôi có kế hoạch cưới nhau rồi nhưng vướng dịch bệnh nên hoãn lại tới cuối năm nay. Còn chuyện sinh con hay không, tôi nghĩ đó không phải là vấn đề quá lớn, khi nào cả hai vợ chồng sẵn sàng thì chúng tôi quyết định sinh con, và nếu không thì cũng không sao cả. Mặc dù gia đình không đồng ý suy nghĩ này và rất khó chịu khi hai đứa trình bày, nhưng tôi nghĩ, suy cho cùng, chúng ta phải sống thật thoải mái và hạnh phúc, chứ không phải sinh ra, lớn lên rồi lập gia đình và sinh con cho giống tất cả mọi người”.
Không thể là áp lực
Xã hội hiện đại có nhiều điều kiện và cơ hội để mỗi cá nhân phát triển bản thân, cũng vì thế mà áp lực thành công trở thành mục tiêu của nhiều bạn trẻ. Và đâu đó, cũng là lý do khiến người trẻ càng ngại chuyện kết hôn, sinh con khi bản thân chưa sẵn sàng về tâm lý lẫn điều kiện kinh tế.
Làm việc ở tầng 14 tòa cao ốc, sống ở tầng 10 của chung cư, mua sắm ở những trung tâm thương mại vài chục tầng, có thể nói cuộc sống của Mai Nguyễn Phương Anh (23 tuổi, thông dịch viên, ngụ quận Gò Vấp) điển hình của một bạn trẻ gen Z. Đó là khi cuộc sống cô gái trẻ gắn liền với những tòa nhà cao tầng cùng một nỗi cô đơn phổ biến trong giới trẻ hiện đại, khi công việc đều đặn nhưng đi về lẻ bóng.
“Cũng có vài lời tán tỉnh ở nơi làm việc lẫn bạn bè bên ngoài, nhưng tôi không chú ý vì hiện tại tôi hài lòng với việc độc thân. Chuyện lập gia đình và sinh con, tôi cũng nghiêm túc suy nghĩ nhưng tình cảm phải tùy duyên, còn sinh con thì hiện tại tôi chưa nghĩ đến”, Phương Anh chia sẻ.
Có một cuộc sống tương tự như Phương Anh, khi đi về vẫn một mình sau hai lần “không vui” trong chuyện tình cảm, Tú Châu (25 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) kể: “Không phải vì hiện tại độc thân mà tôi không quan tâm đến việc lập gia đình và sinh con. Tôi nghĩ không phải ai cũng đủ can đảm để hoãn lại mọi thứ và sinh con, vì ít nhất bạn phải mất 2 năm để con qua giai đoạn sơ sinh thì mới có thể lăn xả lại với công việc hay những dự án mà mình mong muốn. Vì thế, lập gia đình và sinh con không nhất thiết là áp lực vô hình cho mình, hãy lựa chọn điều làm mình thoải mái và hạnh phúc mới thật cần thiết”.
Hãy làm điều gì bạn cảm thấy thoải mái và sẵn sàng, bởi mỗi chúng ta đủ sức chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của chính mình. Đừng vì tác động của người khác hay lời phán xét nào mà gồng mình thực hiện, có chăng chỉ là những góc nhìn khác nhau trong một vấn đề: không sinh con hay không lập gia đình chưa bao giờ là điều tiên quyết.
Ít nhiều trong xã hội vẫn còn những quan điểm khá cứng nhắc trong việc lập gia đình và sinh con của người trẻ. Thậm chí, không ít người áp lên đôi vai bạn trẻ một áp lực vô hình như: “Sinh con vì ba mẹ trông cháu” hay “Có chồng đi, để hàng xóm dị nghị”… Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là những yếu tố bên ngoài, con cái không phải “gia tài” của ba mẹ khi về già và lập gia đình cũng không phải vì ai hối thúc. |