Ngày 18-9, tâm bão đổ bộ miền Trung
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, ngày 18-9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào miền Trung.
Đáng chú ý, từ đêm 17-9 đến đêm 18-9, bão sẽ gây mưa to đến rất to tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, lượng mưa phổ biến là 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm. Các tỉnh Nam Trung bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt.
Từ ngày 18 đến ngày 20-9, ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.
Chủ trì cuộc họp với các tỉnh và thành phố nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão vào ngày 17-9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai kêu gọi các địa phương không chủ quan trong ứng phó bão số 5, khẩn trương thông báo, không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão; sơ tán người dân tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao đến nơi an toòa.
Các thành viên Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương tiếp tục và khẩn trương kêu gọi tàu thuyền trên biển, nhất là hơn 1.000 tàu cá và 102 tàu vận tải đang trong vùng nguy hiểm của bão nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển từ Bình Thuận trở ra Thanh Hóa duy trì lực lượng thường trực với hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ, hơn 240 phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, tối và đêm nay 17-9, bắn pháo hiệu báo bão cho các phương tiện trên biển biết; đồng thời yêu cầu lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn hiệp đồng cùng chính quyền cơ sở cảnh báo bão đến người dân, hỗ trợ chằng chống nhà cừa và sơ tán dân đến nơi an toàn.
Theo kịch bản sẽ có khoảng 1,1 triệu người trong vùng có nguy cơ cao phải sơ tán. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, căn cứ tình hình thực tế, việc sơ tán dân cần phải thận trọng và phù hợp tình hình thực tế, tránh gây hoang mang cho nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tổng kiểm tra ngư dân trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven biển, người dân tại khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển đối với hơn 1.000 tàu cá và 102 tàu vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý không để lặp lại thiệt hại như trong cơn bão số 12 xảy ra vào tháng 11-2017 khiến 10 tàu bị đắm và hàng chục người thiệt mạng tại vùng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Bảo vệ đường dây 500kV Sau khi có công điện chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 5 (Noul), đảm bảo an toàn đường dây truyền tải, hồ đập thủy điện. Công nhân điện lực nỗ lực bảo trì đường dây 500kV Bắc - Nam. Ảnh: EVN EVN đề nghị các đơn vị tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; tập trung tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. EVN đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các công ty truyền tải điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời các sự cố. Tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ. Khẩn trương khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết của đường dây 500kV tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, hoàn thành trong ngày 17-9. Các tổng công ty điện lực tiếp tục chỉ đạo củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra. “Khi có ảnh hưởng của mưa bão gây sự cố mất điện cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng, đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn”- công văn của EVN nêu. Cùng lúc, các tổng công ty phát điện, công ty thuỷ điện vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả và không để xảy ra sự cố đối với các hồ chứa không còn hoặc dung tích phòng lũ thấp; tham gia cắt - giảm - làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp. |