Tiềm năng
Theo số liệu cách đây vài năm về quy mô thị trường ngành công nghiệp văn hóa toàn thế giới, sản phẩm văn hóa đã đạt 1 tỷ 90 triệu USD, gấp 5 lần điện thoại di động, 14 lần đóng tàu và 13 lần màn hình tivi, vi tính... Riêng tại Trung Quốc, chỉ riêng ngành công nghiệp văn hóa cũng mang về cho đất nước này một số tiền không nhỏ, tăng đều qua các năm.
Gần đây, một số bạn trẻ trong nước đã bắt đầu quan tâm và bước đầu khởi nghiệp thông qua những dự án về văn hóa. Có thể kể đến dự án “Ngày ngày viết chữ” của Nguyễn Thị Thùy Dung, chuyên lý giải nguồn gốc của từ và giải nghĩa tiếng Việt; dự án phát triển nghệ thuật sáng tạo “YUME” của TS Đào Lê Na, bao gồm YUME COURSES (các khóa học ngắn hạn từ các chuyên gia) và YUME FUND (quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật và sáng tạo để phục vụ cộng đồng); dự án “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” của Tôn Thất Minh Khôi, nơi cố vấn cho nhiều dự án về văn hóa, phục trang, lễ nghi và hậu cung cung đình; dự án “Đại Nam hội quán” của Lương Hoài Trọng Tính, hướng công chúng đến với vốn văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và của miền Nam nói riêng…
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bày tỏ: “Việt Nam là một nền văn hóa lớn so với khu vực châu Á, nhưng chúng ta đã bỏ quên một kho tàng rất lớn. Chúng ta đổ xô khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; còn văn hóa, lịch sử thì chúng ta không làm gì cả, trong khi văn hóa, lịch sử tạo ra những giá trị kinh tế rất lớn”.
Làm cho tới thì không lo “đói”
Có một vấn đề đặt ra, nhận được sự quan tâm của đông đảo diễn giả cũng như khán giả, đó chính là làm thế nào để kiếm tiền được từ văn hóa? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, văn hóa sinh ra từ chính cuộc sống con người và phục vụ cho con người. “Khi tôi làm sách, mọi người hỏi làm thế nào để kiếm ra tiền. Tôi chẳng quan tâm làm thế nào cả, mà chỉ quan tâm làm thế nào để biến say mê của mình thành say mê của người khác, cái tôi cảm động làm cho người khác cảm động, cái tôi đau đớn làm cho người khác đau đớn”, ông cho biết.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, khởi nghiệp bằng điện ảnh không khó so với khởi nghiệp với sách, hay giảng dạy nghệ thuật như dự án YUME của TS Đào Lê Na. Để khởi nghiệp văn hóa, chúng ta phải nhìn ra tính sản phẩm của một sản phẩm văn hóa, dù là sản phẩm mang tính không lợi nhuận. Tức là những tổ chức phi lợi nhuận cũng phải nhìn thấy tính tiêu dùng của sản phẩm mà bạn đưa ra thì họ mới đầu tư. Họ sẽ không bao giờ chi tiền nếu dự án không mang lại lợi ích cho ai.
Anh chia sẻ: “Khi tôi đi kêu gọi đầu tư, tôi cũng phải trình bày cho họ rằng, phim chiếu cho ai coi, bán được bao nhiêu vé, rủi ro như thế nào, hoàn vốn bao nhiêu, lãi bao nhiêu… Cho nên, điều tiên quyết là người khởi nghiệp văn hóa phải có một cái đầu cực kỳ tinh tế, không được mơ hồ”.
Dự án “Ngày ngày viết chữ” được ra mắt đầu tiên với định dạng blog, là nơi tập hợp những bài viết từ công việc copy writer của Nguyễn Thị Thùy Dung. Sau một năm, Dung chuyển sang làm fanpage và hoàn toàn không có ý nghĩ về lợi nhuận, chỉ làm vì thích. Hiện nay, “Ngày ngày viết chữ” có hơn 82.000 lượt theo dõi mà không hề tốn kinh phí cho truyền thông, quảng cáo.
Theo tiết lộ của Thùy Dung, nhu cầu học và hiểu về tiếng Việt hiện nay rất lớn nên cô thường có những khóa học về tiếng Việt như: Làm thế nào để dùng tiếng Việt cho trúng và đúng; Đều do tự học mà nên... để phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Thùy Dung cho biết, thu nhập từ dự án “Ngày ngày viết chữ” gấp 4 lần so với hồi đi làm copy writer. “Văn hóa nói chung hay ngôn ngữ, phim, sách… cũng là một cách làm giáo dục theo những hình thức khác nhau. Nếu làm giáo dục cho tới thì không lo đói”, Thùy Dung đúc kết.