Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức

Tăng trưởng GDP quý 1-2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội, sáng 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Quang cảnh phiên họp Quốc hội, sáng 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 22-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội.

Báo cáo nêu rõ, năm 2022, ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm 1 chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%).

Đáng lưu ý là cả hai chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng. Thêm vào đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa, là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý 4-2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Tăng trưởng GDP quý 1-2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.

Đây là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục. Do vậy, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu NSNN hàng năm.

Việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát, chưa tính toán tận dụng thời cơ để điều chỉnh giá một số dịch vụ công nhằm giảm áp lực lạm phát trong năm 2023, đồng thời việc quá chú trọng kiểm soát lạm phát cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm là những bất cập trong công tác điều hành cần rút kinh nghiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp sáng 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp sáng 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, xuất siêu đạt 12,4 tỷ USD, tăng hơn nhiều so với số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 1 tỷ USD), phần nào phản ánh nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm động lực và tốc độ tăng trưởng rất rõ từ quý 4-2022.

Báo cáo cũng nêu, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm; còn nhiều trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử. Tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra; hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn vấn đề tăng trưởng GDP quý 1-2023 rất thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ). Đặc biệt, tăng trưởng ở một số địa phương âm so với cùng kỳ, các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu; chậm giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn FDI 4 tháng giảm gần 18% so với cùng kỳ, lãi suất cho vay cao. Thu NSNN 4 tháng ước giảm so với cùng kỳ năm trước.

Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội, sáng 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội, sáng 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Ủy ban cho rằng, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là rất thách thức. Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời; điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ; cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi những bất cập trong quy định về kinh doanh xăng dầu; rà soát, sửa đổi cơ chế giá điện cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Chính phủ cần sớm có quyết sách phù hợp về việc công bố tình trạng dịch Covid-19 ở trong nước.

Tin cùng chuyên mục