Mới chỉ có một số doanh nghiệp triển khai mua heo để giải phóng đàn cho nông dân. Trước tình hình này, Bộ Công thương vừa có công văn kêu gọi các địa phương xúc tiến việc giúp tiêu thụ lượng heo tồn đọng.
Thương lái ép giá nông dân
Tại xã Đình Cao, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) - nơi có nhiều trang trại heo quy mô lớn, các hộ chăn nuôi heo cho biết, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, giá heo chỉ tăng thêm được 1.000 - 3.000 đồng/kg heo hơi nhưng tính ra mỗi con vẫn bị lỗ gần 2 triệu đồng.
Anh Nguyễn Phát Diện, một hộ chăn nuôi heo ở thôn Duy Ninh (xã Đình Cao) khẳng định, giá heo giảm một phần do bị thương lái dìm giá. “Cách đây nửa tháng, giá heo hơi ở xã đang bán 17.000 - 19.000 đồng/kg thì họ về loan tin giá heo cả nước chỉ còn 13.000 - 14.000 đồng/kg, nên nông dân đành bán tháo với giá rẻ. Không bán không được vì chi phí nuôi một đàn heo khoảng 900 con lên tới 30 triệu đồng/tháng”, anh Diện cho biết.
Nghịch lý ở chỗ, heo tại chuồng chỉ bán được 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng thịt heo tại chợ vẫn có giá 40.000 đồng/kg, tại siêu thị là 80.000 đồng/kg. Tại các tỉnh như Bắc Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nam… nhiều nông dân cho biết, mới chỉ có một vài doanh nghiệp về xúc tiến mua heo “giải cứu” nhưng đưa ra những điều kiện mà nông dân chưa hài lòng, như để mua heo thì phải cam kết sử dụng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp trong vòng 1 năm với giá bán cao hơn bình thường khoảng 4.000 - 5.000 đồng/bao.
Ngành chăn nuôi heo đang gặp nhiều khó khăn
Cắt giảm ngay chi phí trung gian, thao túng thị trường
Trước việc “giải cứu” heo còn chậm trễ, Bộ Công thương vừa gửi văn bản cho các sở, ngành và các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, giết mổ, kinh doanh; các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thịt heo.
Trong đó, Bộ Công thương yêu cầu các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối và các đại lý tiêu thụ rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ. Tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ heo thịt cho thị trường.
Các sở công thương chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng tiêu thụ heo thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua heo cho người chăn nuôi với giá hợp lý. Thực hiện tốt công tác truyền thông khi các doanh nghiệp triển khai, thu mua, kết nối tiêu thụ nhằm tạo định hướng cho thị trường.